(84) 24.36280280/6550; 6551 isd@neu.edu.vn

Tọa đàm khoa học: VAT/GST Exemptions in ASEAN Countries: What Can The Others Learn From Singapore GST Model?

Tiếp nối các hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong khuôn khổ Chương trình Tiến sĩ bằng tiếng Anh (E-PHD), chiều ngày 18/02/2022, tại Viện Phát triển bền vững, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, đã diễn ra Tọa đàm khoa học trực tuyến với tựa đề: “VAT/GST Exemptions in ASEAN Countries: What Can The Others Learn From Singapore GST Model?”.

TS. Bạch Ngọc Thắng điều phối tọa đàm

Thiết kế một hệ thống thuế khóa tối ưu là mục tiêu của bất kỳ chính phủ nào bởi thuế là một nguồn thu chủ yếu của chính phủ và được sử dụng để thực hiện các chức năng truyền thống, như: duy trì luật pháp và trật tự, phòng thủ chống lại sự xâm lược từ bên ngoài, điều tiết thương mại và kinh doanh để đảm bảo sự phát triển kinh tế – xã hội .v.v… Mỗi một loại thuế mà nhà nước ban hành, trong đó bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) đều nhằm vào mục đích tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Như chúng ta đã biết, VAT chuyển sự phụ thuộc của các chính phủ từ thuế trực thu sang thuế gián thu và cho phép duy trì mức thuế thu nhập thấp hơn. Đồng thời là một loại thuế đánh vào tiêu dùng chứ không phải thu nhập, VAT khuyến khích tiết kiệm và đầu tư.

Mặc dù có nhiều nhược điểm, việc miễn thuế VAT theo mô hình VAT truyền thống được áp dụng ở hầu hết các khu vực pháp lý về thuế và tại các nước Đông Nam Á không phải là một ngoại lệ. Sáu trong số bảy quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, đều miễn thuế cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, theo kinh nghiệm của hầu hết các nước châu Âu. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực tiễn trong việc tính toán và áp dụng thuế suất VAT, do đó việc tìm kiếm một mô hình thuế VAT phù hợp luôn mang tính cấp thiết.

Tham dự buổi tọa đàm, về phía diễn giả khách mời có ThS. Trần Anh Tú – giảng viên Bộ môn Tài chính Công, Viện Ngân hàng – Tài chính, hiện là nghiên cứu sinh về chính sách thuế và luật thuế tại Đại học Leeds (UK), cùng hai đồng tác giả: TS. Nguyễn Thị Kim Dung – giảng viên Bộ môn Tài chính Công, Viện Ngân hàng – Tài chính, và ThS. Hoàng Thị Chinh Thon – giảng viên Bộ môn Kinh tế Vi mô, Trường đại học Kinh tế Quốc dân; Về phía ban chuyên môn E-PHD có PGS.TS. Lê Quang Cảnh, TS. Bạch Ngọc Thắng, các nghiên cứu sinh của E-PHD và các đại biểu có quan tâm tham dự trực tuyến trên nền tảng MS Teams.

ThS. Trần Anh Tú trình bày nghiên cứu

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Trần Anh Tú chia sẻ kết quả nghiên cứu với việc sử dụng phương pháp tiếp cận luật thuế so sánh về chính sách miễn thuế VAT hiện tại của Singapore với sáu nước ASEAN khác. Kết quả phân tích chỉ ra và giải thích nguyên nhân của hiện tượng: Singapore có mô hình thuế GST/VAT (GST là thuế hàng hóa và dịch vụ, tương đương với VAT) tốt hơn với việc theo đuổi chính sách đánh thuế toàn bộ, về mặt lý thuyết và thực tế đều có lợi hơn so với thuế VAT truyền thống. Mô hình GST của Singapore là giải pháp thực tiễn tốt nhất để miễn thuế VAT ở Đông Nam Á và thúc đẩy việc loại bỏ miễn thuế VAT ở bảy nước ASEAN. Nghiên cứu cũng góp phần kêu gọi cải cách thuế trên toàn thế giới bằng cách hướng tới hiện đại và thậm chí là hậu hiện đại VAT bằng cách mở rộng cơ sở tính thuế của nó.

Đại biểu, NCS và khách mời thảo luận

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu, các nghiên cứu sinh E-PHD đã tham gia phát biểu, thảo luận cởi mở và sôi nổi với nhau và với diễn giả xoay quanh các chủ đề thuế VAT trong bối cảnh hiện nay. Một số đại biểu và nghiên cứu sinh E-PHD cũng nêu những ý kiến chia sẻ từ góc độ lịch sử cho tới hiện đại, đặt các câu hỏi với diễn giả liên quan đến cơ sở tính thuế, mức thuế suất VAT, cơ chế chuyển đổi thuế của các quốc gia cũng như hàm ý chính sách đối với Việt Nam.

Hòa cùng không khí rộn ràng đón xuân Nhâm Dần, đây là buổi tọa đàm khoa học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022 và nằm trong chuỗi các buổi tọa đàm của chương trình Tiến sĩ bằng tiếng Anh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong những năm qua. Mục tiêu của chuỗi tọa đàm là hướng đến các nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu trẻ, và giảng viên quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu kinh tế, kinh doanh, quản lý và các lĩnh vực liên ngành khác trong khoa học xã hội. Chuỗi tọa đàm này là nền tảng cho giảng viên và các nhà nghiên cứu trao đổi ý tưởng, kết nối và cộng tác nghiên cứu.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm

Bài và ảnh: Viện Phát triển bền vững.