(84) 24.36280280/6550; 6551 isd@neu.edu.vn

Tôn vinh Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo tiêu biểu năm 2024

Sáng 17/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2024.

Dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy; các Thứ trưởng Bộ GDĐT: Hoàng Minh Sơn, Nguyễn Thị Kim Chi; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; lãnh đạo các Vụ, Cục, các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Đại biểu dự buổi lễ

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ GDĐT tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo thuộc các bộ, ngành, địa phương và trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 65 nhà giáo trực thuộc Bộ GDĐT.

Ngoài danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, từ năm 2017, Bộ GDĐT đã tổ chức xét chọn “Nhà giáo tiêu biểu của năm” nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có đóng góp đặc biệt xuất sắc, tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa trong toàn ngành, qua đó tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong cả nước, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Từ năm 2017 đến năm 2023, qua 7 lần xét chọn nhà giáo tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký quyết định trao tặng Bằng khen cho 1600 nhà giáo. Năm 2024, 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên cả nước đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT khen thưởng.

Từ khi trở thành cô giáo, không chỉ truyền thụ kiến thức, cô Hạnh tâm niệm rằng giáo dục không chỉ bằng trí óc mà còn bằng cả con tim, còn phải “dạy người” cho các học sinh thân yêu.

“Với phương châm như vậy, nên suốt 34 năm qua đứng trên bục giảng, được chứng kiến những thăng trầm, những đổi thay, những bước đột phá của nền giáo dục nước nhà, dù còn muôn vàn khó khăn vất vả, nhưng tôi cùng với các đồng nghiệp của mình vẫn vững tay lái, chắc tay chèo, tất cả vì học sinh thân yêu, vì nhiệm vụ thiêng liêng của người thầy: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, cho đất nước”, cô Hạnh chia sẻ.

Bày tỏ niềm xúc động khi nhận danh hiệu vinh dự cao quý nhất do Nhà nước trao tặng cho nhà giáo, nhưng cô Hạnh cũng không khỏi lo lắng, trăn trở. Đó là phải thể hiện trách nhiệm của mình cao hơn, phải sống, làm việc và cống hiến sao cho xứng đáng với danh hiệu cao quý được được Đảng và Nhà nước phong tặng.

Cô Hạnh bày tỏ tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, với hành lang pháp lý và những cơ chế vận hành đang được điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Nhà giáo, đội ngũ nhà giáo sẽ vững tin và vững tâm hoàn thành sứ mệnh lớn lao của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ

Gửi lời chào mừng, chúc mừng 21 Nhà giáo nhân dân, 65 Nhà giáo ưu tú và 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho 1,6 triệu nhà giáo có mặt tại buổi lễ, Bộ trưởng khẳng định: Qua bề dày lịch sử lâu dài, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu quan trọng, ý nghĩa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Đặc biệt, giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong suốt thời gian qua theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW đã cho thấy giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục diễn ra sâu rộng, thống nhất trên phạm vi cả nước, ở tất cả các cấp học, bậc học. Tinh thần đổi mới giáo dục hiện diện ở hầu hết các nơi trên cả nước. Chất lượng giáo dục và đào tạo các cấp học, bậc học không ngừng được đổi mới và nâng cao. Đặc biệt, hoạt động đổi mới diễn ra sâu sắc hơn cả đối với bậc giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Đối với giáo dục phổ thông, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với việc chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất năng lực người học đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong chu trình 5 năm đầu tiên. Theo đó, chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại trà ngày càng gia tăng.

Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo

Đối với giáo dục đại học, tự chủ đại học đang được triển khai sâu rộng với những chuyển biến tích cực từng bước trong tự chủ về học thuật, tài chính và tổ chức.

Lực lượng nhà giáo tiếp tục được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm với những tín hiệu vui về chế độ chính sách để phát triển đội ngũ về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, mới đây, trong Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định cần “Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn” và đặt ra yêu cầu “cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo”

Quán triệt quan điểm này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GDĐT đã trình và báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 8 đang diễn ra. Bộ GDĐT quyết tâm xây dựng Luật Nhà giáo để lực lượng nhà giáo đón nhận Luật với tâm thế “thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh” theo như lời Tổng Bí thư đã nói.

Có được những kết quả lớn và quý báu như trên, theo Bộ trưởng, phải kể tới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan, sự vào cuộc tích cực của địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội, người dân, các vị phụ huynh,…; nhưng trong đó nhất định phải kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của các nhà giáo. Những nhà giáo giỏi, tâm huyết, tiêu biểu, và đặc biệt là những nhà giáo ưu tú có vai trò hạt nhân, đầu tầu và sức lan tỏa lớn.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2024

Có mặt tại sự kiện hôm nay gồm những Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, những nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu của ngành, cũng tức là những người đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong đổi mới và phát triển giáo dục. Bộ trưởng bày tỏ sự ghi nhận, sự đánh giá rất cao đối với sự đóng góp của các cô các thầy cho ngành Giáo dục, cho sự nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo của đất nước trong suốt thời gian qua.

Làm giáo dục là một việc khó, giáo dục chân chính, giáo dục cho đúng đạo lý, giáo dục hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học, lan tỏa được tinh thần sáng tạo và cảm hứng học tập bất tận cho người học lại càng khó. Để đạt được danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu, các thầy cô đã tận tụy và yêu nghề, đã có rất nhiều đóng góp, đã vượt qua những khó khăn thử thách để thể hiện bản thân, lan tỏa các giá trị tốt đẹp.

Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng mong mỏi các thầy các cô tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng của mình, lan tỏa tới đồng nghiệp, tới học trò, tới xã hội; tinh thần làm thế nào mà mình đã trở nên ưu tú, góp phần ngày càng tăng thêm những người ưu tú trong ngành và sự ưu tú gia tăng thêm, đặc biệt hơn, sẽ lan tỏa mãi mãi.

Các thầy các cô đã là những nhà giáo ưu tú, được vinh danh bằng các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu. Đây là ghi nhận không chỉ của cơ sở, của ngành Giáo dục mà còn của Đảng và Nhà nước. Các thầy, các cô đã có nhiều đóng góp, đóng góp nổi trội và thể hiện sự ưu tú đó trong ngành.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2024

“Nhân ngày nhà giáo, chúng ta chúc mừng nhà giáo là đương nhiên và hợp lẽ. Nhưng với các nhà giáo ưu tú, cần chúc mừng một cách đặc biệt, bởi sự ưu tú và những đóng góp ưu trội của các thầy cô cho giáo dục, cho cộng đồng. Sự ghi nhận với các đóng góp của mỗi cá nhân nhà giáo là cần thiết.

Với người ưu tú cần sự ghi nhận, biểu dương và cảm ơn đặc biệt, cũng bởi sự đóng góp đặc biệt của họ đối với ngành Giáo dục và đối với xã hội. Nhân dịp đặc biệt này, tôi muốn bày tỏ sự tự hào, tri ân, cảm ơn và chúc mừng đặc biệt tới các nhà giáo ưu tú đã được lựa chọn cho dịp đặc biệt hôm nay”, Bộ trưởng chia sẻ.

Trong thời gian tới, sẽ còn nhiều thách thức mà ngành Giáo dục sẽ phải đối mặt để vượt qua và thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn. Sau một quá trình thực hiện đổi mới thành công bước đầu với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, đã tới lúc phải tập trung đổi mới, nâng chất lượng giáo dục mầm non.

Trong đó, nhiều nhiệm vụ cần phải thực hiện như: các vấn đề huy động trẻ, triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, phổ cập mầm non theo độ tuổi, đảm bảo đủ giáo viên, đủ cơ sở vật chất, huy động nguồn lực xã hội, lo cơ sở vật chất, an toàn trường học, chống bạo hành và an toàn thực phẩm, đủ giáo viên và đảm bảo điều kiện để giáo viên an tâm công tác.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2024

Cùng với đó, giáo dục phổ thông đã đến thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Cần có một lần đánh giá quá trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông để rút kinh nghiệm, điều chỉnh những nội dung cần thiết để thực hiện đổi mới theo chiều sâu. Đó là đổi mới hướng tới hoàn thiện và nâng cao chất lượng giáo dục, hỗ trợ vùng khó, phát huy cho vùng thuận và hướng tới chuẩn quốc tế.

Trong điều kiện đó, tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ 2 như kỳ vọng trong Kết luận 91-KL/TW gần đây của Bộ Chính trị. Nhiều vấn đề sẽ cần giải quyết rốt ráo, sâu rộng như phát triển con người trong thách thức mới của giáo dục số, của trí tuệ nhân tạo (AI) và của sự phát triển và biến đổi nhanh chóng, không ngừng của khoa học, công nghệ.

Đối với giáo dục đại học, cùng với việc triển khai tự chủ đại học theo chiều sâu, một trong những nhiệm vụ trước mắt cần phải thực hiện là hiện đại hóa cơ sở vật chất giảng dạy, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu vốn còn rất nghèo nàn và lạc hậu so với các đại học tiên tiến trên thế giới.

Khi cơ sở vật chất được hiện đại hóa, nội dung và phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá cũng sẽ theo đó mà có những thay đổi, nhanh chóng thích ứng. Cùng sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, những mô hình giáo dục mới sẽ hình thành và phát triển như giáo dục số, giáo dục ảo,…

251 Nhà giáo tiêu biểu được vinh danh năm 2024

Đối với giáo dục thường xuyên và xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, các địa phương cần hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, chú trọng với những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nơi có tỉ lệ người mù chữ cao…

Bộ trưởng cho biết, ngành Giáo dục và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục luôn nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Điều này lại tiếp tục được thể hiện tại Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trong đó, những kỳ vọng lớn đối với ngành Giáo dục được thể hiện qua các định hướng và nhiệm vụ lớn, mở ra một giai đoạn phát triển mới nhiều thách thức nhưng cũng đem đến nhiều cơ hội lớn để ngành phát triển.

Để thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn nói trên, toàn ngành Giáo dục phải rất quyết tâm và cần hội đủ nhiều điều kiện cần thiết. Trong đó, yếu tố con người, mà tiêu biểu là các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng.

Các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu sẽ là những hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo của bản thân, đồng thời chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng những điều tốt đẹp tới cộng đồng các nhà giáo.

Tiết mục văn nghệ của sinh viên, học sinh chào mừng tại buổi lễ

Các danh hiệu là sự ghi nhận, sự tôn vinh cho cái đã qua, bề dày sự thể hiện và đóng góp của các cô, các thầy, đồng thời cũng là những kỳ vọng, trông đợi các cô, các thầy tiếp tục tỏa sáng, tham gia góp sức vào sự nghiệp phát triển giáo dục.

“Người xưa nói “Gừng thêm cay cùng thời gian, thầy thêm giỏi cùng năm tháng”. Kính mong và kính mong các thầy cô tiếp tục tự học, tự đổi mới mình, vượt qua các giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình.

Các thầy cô là những người ưu tú thì cần làm hạt nhân cho việc giải quyết những vấn đề mới, vấn đề khó. Ưu tú không đợi phải phân công, không đợi phải yêu cầu, mà sự ưu tú ấy cần được thể hiện qua tinh thần dấn thân, gánh vác, chủ động, tích cực với những việc đã làm, đang làm và cần làm cho ngành Giáo dục”, Bộ trưởng gửi gắm.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi đã phát động Đợt thi đua đặc biệt đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VIII.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát động thi đua đặc biệt

Theo Thứ trưởng, năm 2025 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước: Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2025), 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), 80 năm cách mạng tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2025), đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ GDĐT) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VIII tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI và kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước vào năm 2025.

Nhấn mạnh trong hành trình xây dựng và phát triển của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phong trào thi đua đã trở thành nhiệt huyết, động lực và đích đến của nhiều kết quả rực rỡ. Thứ trưởng mong muốn mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng mới, quyết tâm mới, giải pháp mới, phát huy những giá trị, truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục trong 79 năm vừa qua để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thực hiện sâu sắc Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Cùng nhau đẩy mạnh thi đua yêu nước thì khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt”, Thứ trưởng chia sẻ, Bộ GDĐT tin tưởng sâu sắc mỗi cán bộ quản lý giáo dục các cấp, mỗi nhà giáo, cán bộ công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên trong toàn ngành cùng nhau thực hiện có hiệu quả đợt thi đua đặc biệt này..

“Chúng ta tin tưởng khát vọng sẽ trở thành nhiệt huyết, niềm tin, tư tưởng, hành động và chức chắn sẽ trở thành động lực mạnh mẽ. Chúng ta có quyền tin tưởng năm 2025, ngành giáo dục, Bộ GDĐT sẽ đạt được những kết quả và thành tựu rực rỡ”, Thứ trưởng bày tỏ.

Nguồn: Bộ GD&ĐT