(84) 24.36280280/6550; 6551 isd@neu.edu.vn

Khoá bồi dưỡng: “Thực hành kinh doanh có trách nhiệm và rà soát chuỗi cung ứng” tại Long An

Trong 2 ngày 15-16/12/2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản tổ chức khóa bồi dưỡng về “Thực hành kinh doanh có trách nhiệm và rà soát chuỗi cung ứng” cho các doanh nghiệp Nhật Bản và đối tác tại tỉnh Long An. Đây là khoá tập huấn cuối cùng nằm trong chuỗi các khoá đào tạo “Thực hành kinh doanh có trách nhiệm và rà soát chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp Nhật Bản và các nhà cung cấp tại Việt Nam” của năm 2023.

 

Quang cảnh Khoá đào tạo

Tham dự khoá đào tạo, về phía UNDP có Ông Yuji Shinohara – Chuyên gia phân tích quản trị, Ông Nguyễn Văn Huấn – chuyên gia rà soát quyền con người. Về phía Trường đại học Kinh tế quốc dân có PGS.TS. Lê Quang Cảnh – Viện trưởng – Viện phát triển bền vững phát biểu khai mạc và tham gia giảng dạy, ThS. Nguyễn Ngọc Hiên – Khoa các giảng viên của chương trình đến từ UNDP, Trường đại học Kinh tế Quốc dân; và 30 học viên đến từ các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản tại Long An

PGS.TS. Lê Quang Cảnh – Viện trưởng – Viện phát triển bền vững phát biểu khai mạc và tham gia giảng dạy

Kinh doanh có trách nhiệm là cách tiếp cận kinh doanh trong thế kỷ 21, mang lại kết quả kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm và rà soát chuỗi cung ứng là một trong các giải pháp giúp doanh nghiệp tôn trọng và không gây rủi ro hoặc tổn hại tới các bên liên quan. Chương trình hành động quốc gia về Kinh doanh có trách nhiệm của Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nâng cao nhận thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong cộng đồng doanh nghiệp. Đây là một hoạt động giúp nâng cao hình ảnh và giảm thiểu rủi ro rất hữu ích đối với các doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn.

ThS Nguyễn Ngọc Hiên – Giảng viên Khoa Quản lý nguồn nhận lực

Để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, điểm mấu chốt chính là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Theo đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) được hiểu là mang tính khuyến khích; còn thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP) là mang tính bắt buộc, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các chủ thể liên quan, như: người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng dân cư chịu tác động từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; trong đó tuân thủ quy định pháp luật liên quan chỉ là yêu cầu tối thiểu. Cụ thể, thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ góp phần: nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp và cả quốc gia; giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo lập sự nhất quán, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Khoá bồi dưỡng đã cung cấp rất nhiều kiến thức mới từ kinh nghiệm quốc tế đến Việt Nam, giảng viên và học viên thảo luận sôi nổi về những rủi ro trong quá trình kinh doanh trong toàn bộ chuỗi cung ứng, hướng dẫn quy trình, phương pháp rà soát việc đảm bảo thực hành kinh doanh có trách nhiệm với các bên liên quan trong hoạt động kinh doanh và quy định/tiêu chuẩn quốc tế liên quan tới kinh doanh có trách nhiệm nhằm đáp ứng yêu cầu của các đối tác kinh doanh, đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

 Một số hình của khóa học:

 

 

Chụp ảnh lưu niệm cùng các học viên nhận chứng chỉ sau khoá học

Bài và ảnh: Viện PTBV