(84) 24.36280280/6550; 6551 isd@neu.edu.vn

Sinh hoạt khoa học chuyên môn Chương trình EPhD

Được sự đồng ý của Ban chuyên môn EPhD, đơn vị thường trực Ban chuyên môn Chương trình EPhD đã tiến hành tổ chức sinh hoạt khoa học góp ý cho luận án tiến sĩ cấp bộ môn cho NCS Nguyễn Thị Thu Trang – Khoá 3, Chương trình EPhD vào chiều ngày 22/03/2024 tại phòng 1501, Nhà A1, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

 Quang cảnh buổi sinh hoạt khoa học

Buổi sinh hoạt có sự tham gia của các thầy cô trong ban chuyên môn gồm: PGS.TS. Lê Quang Cảnh – Thường trực Ban Chuyên môn; các thành viên của Ban Chuyên môn: GS.TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, PGS.TS. Bạch Ngọc Thắng – Viện PTBV, TS. Trương Tuấn Anh – Khoa QTKD, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Linh – Khoa QTKD, PGS.TS. Vũ Huy Thông – Khoa Marketing và các nghiên cứu sinh của chương trình.

Tại buổi sinh hoạt NCS Nguyễn Thị Thu Trang (E-PhD3), Chuyên ngành Quản trị Kinh doanh trình bày đề tài luận án: Attitude-Intention-Behaviour Gap in Organic Food Purchase

NCS Nguyễn Thị Thu Trang (E-PhD3) trình bày tại buổi sinh hoạt

Trong buổi sinh hoạt, NCS Nguyễn Thị Thu Trang (E-PhD3), giới thiệu tóm tắt về nội dung nghiên cứu đề tài: Mặc dù người tiêu dùng Việt Nam đang dần chuyển dịch sang tiêu thụ TPHC vì lợi ích sức khỏe nhưng lượng người mua thực phẩm này vẫn còn rất thấp. Nghiên cứu trên thế giới đã đề cập đến hiện tượng này là khoảng cách thái độ-ý định-hành vi trong việc mua TPHC, tuy nhiên các nghiên cứu được thực hiện ở Viêt Nam để nghiên cứu vấn đề này còn hạn chế. Luận án nhằm mục đích giải thích và thu hẹp khoảng cách đó trong việc mua TPHC ở Việt Nam bằng cách nghiên cứu hai giai đoạn: khoảng cách thái độ-ý định và khoảng cách ý định-hành vi. Lý thuyết lý luận hành vi (BRT), được sử dụng để giải thích khoảng cách giữa thái độ và ý định và chuẩn chủ quan được dùng để thu hẹp khoảng cách này. Kế hoạch hành động và kế hoạch ứng phó được đề xuất trong mô hình HAPA cũng năng lực hành động và năng lực ứng phó được đề xuất trong lý thuyết nhận thức xã hội được tích hợp theo mô hình điều tiết trung gian kép để giải thích và thu hẹp khoảng cách giữa ý định và hành vi. Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng với bảng hỏi được phát theo kỹ thuật lấy mẫu thuận tiện phi xác suất và kỹ thuật lấy mẫu quả cầu tuyết. Kết quả cho thấy lý do thúc đẩy mua TPHC chỉ có tác động trực tiếp tới thái độ, trong khi lý do cản trở mua lại tác động trực tiếp đến ý định, tạo ra khoảng cách giữa thái độ và ý định, tuy nhiên chuẩn chủ quan có tác động rất nhỏ trong việc thu hẹp khoảng cách này. Kế hoạch hành động và kế hoạch ứng phó có tác động trung gian khá lớn trong mối quan hệ giữa ý định và hành vi, cho thấy có thể xảy ra khoảng cách giữa ý định và hành vi nếu thiếu đi kế hoạch. Năng lực ứng phó có tác dụng điều tiết lớn hơn, càng khẳng định rằng năng lực ứng phó có xu hướng dự đoán hành vi hơn. Luận án này đã có những đóng góp về mặt học thuật và thực tiễn trong nghiên cứu việc mua TPHC ở Việt Nam.

Đây là hoạt động nhằm bảo đảm duy trì môi trường trao đổi học thuật, giúp NCS học hỏi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu với các nhà khoa học và NCS khác. Buổi sinh hoạt đã diễn ra với không khí thảo luận rất sôi nổi.

Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt:

Bài và ảnh: Viện PTBV