Viện Phát triển bền vững du xuân đầu năm Ất Tỵ 2025
Mùa xuân đã về, mang theo những niềm vui mới, sắc thắm của những chồi non, lộc biếc và niềm hân hoan của một khởi đầu đầy hứa hẹn. Trong tiết mưa xuân của những ngày đầu năm, các thành viên của Viện Phát triển bền vững và Tạp chí Kinh tế và Phát triển đã tổ chức chuyến du xuân đầu năm Ất Tỵ 2025 để cùng nhau hướng về những giá trị tinh thần cao đẹp, nuôi dưỡng sự thiện lành và tinh thần lạc quan cho hành trình phía trước.
Các thành viên trong Đoàn chụp ảnh trước lối vào Vãng chùa Am Tiêm
Mỗi dịp Tết đến, người dân Việt Nam lại háo hức với phong tục du xuân, một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày đầu năm mới. Đây không chỉ là dịp để thưởng thức cảnh sắc mùa xuân, mà còn là lúc để cầu chúc may mắn và hạnh phúc cho năm mới. Nhiều người mong muốn tìm về một khung cảnh, một không gian gợi mở tâm hồn, như một dịp để chiêm nghiệm, hướng về những giá trị của tâm linh. Bởi vậy, tập tục du xuân vãng cảnh chùa ngày xuân đã là một thói quen không thể thiếu của rất nhiều người dân Việt Nam, không chỉ vì lý do tôn giáo, mà còn mang màu sắc văn hóa Tết cổ truyền.
Đoàn của chúng tôi đã đến dâng hương và vãng cảnh tại Đền Vực Vông, Chùa Am Tiên, Chùa Tam Cốc tại Ninh Bình.
Đền Vực Vông là di tích thuộc khu di tích Cố đô Hoa Lư. Đền có một vực xoáy nên gọi là Đền Vực Vông.
Được xây dựng từ thế kỷ 16. Đền Vực Vông có kiến trúc kiểu chữ “công”, đền thờ Bà chúa Quận Mỹ tên là Nguyễn Thị Niên (con gái của Nguyễn Quyện – một danh tướng dưới triều nhà Mạc được giao trấn giữ đất Trường Yên) cùng chồng là Mỹ Quận công Bùi Văn Khuê và các con. Bà Nguyễn Thị Niên là người phụ nữ tài hoa, tiết nghĩa, sau khi báo thù cho chồng, bà đã tuẫn tiết để giữ trọn nghĩa vợ chồng thủy chung sắt son. Bà được nhân dân tôn thờ là Mẫu Thoải. Đền Vực Vông
Sau đó, Đoàn đến vãng cảnh tại Chùa Am Tiên. Chùa nằm trong Động Am Tiên, thuộc địa phận xã Trường Yên huyện Hoa Lư. Điểm đến này cách cửa Đông của đền vua Đinh Tiên Hoàng chỉ 400 mét, tiếp giáp với thành Đông của kinh đô Hoa Lư năm xưa. Chùa và động Am Tiên nằm trong dãy núi Ngũ Phong Sơn. Đây là cụm di tích chứa đựng nhiều giá trị về không gian cảnh quan kiến trúc, lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng đặc sắc. Năm 1998 di tích được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Bài trí ban thờ Phật trong động Am Tiên
Chùa và động Am Tiên ngoài thờ Phật còn thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, người có công tu sửa động và dựng chùa. Ngài là một danh sư, có công lớn đối với triều đình nhà Lý và dân tộc. Công đức của Ngài được ghi chép trong chính sử và lưu truyền trong các truyền thuyết dân gian. Nguyễn Minh Không được xem là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa cổ, trong đó có nhiều ngôi chùa nổi tiếng còn tồn tại cho đến ngày nay như chùa Bái Đính cổ, chùa Địch Lộng, chùa Non Nước (Ninh Bình), chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo (Nam Định)… Không chỉ tinh thông đạo pháp, Ngài còn tinh thông y thuật, vì có công lớn chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông nên được phong là Quốc sư – vị cao tăng đứng đầu Phật giáo dưới triều đại nhà Lý.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại lối lên chùa và động Am Tiên
Sau khi vãng cảnh tại Chùa Am Tiên, Đoàn đến vãng Chùa Bích Động. Chùa nổi tiếng với cảnh sắc nguyên sơ và có chút trầm lắng. Chùa Bích Động là một ngôi chùa cổ được xây dựng trên dãy núi đá vôi Trường Yên. Đây là một di tích lịch sử văn hóa thuộc quần thể danh thắng Tràng An Tam Cốc – Bích Động đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình, nơi đây được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động”.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Chùa Bích Động
Chùa Bích Động lưu giữ kiến trúc lâu đời, được xây dựng theo kiểu chữ “Tam” (hán tự). Khuôn viên gồm ba ngôi chùa không liền nhau, nằm dọc theo sườn núi và được chia làm ba cấp theo độ cao: Chùa Hạ, Chùa Trung và chùa Thượng.
Và cuối cùng, từ chùa Bích Động theo tuyến đường bộ khoảng 4km, Đoàn chúng tôi đến thăm Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham – xứ sở của các loài chim, nằm trọn trong vùng lõi của quần thể danh thắng Tràng An. Vườn Chim của khu du lịch sinh thái Thung Nham là nơi cứ trú và sinh sống của đa dạng các loại chim. Từ các loại chim quý hiếm (hằng hạc, phượng hoàng) đến các loại chim như cò, vạc, điệp, le le, chích chòe lửa,… Vườn chim Thung Nham trải rộng trên diện tích hơn 300ha, là nơi cư trú của khoảng 40.000 con, khoảng 5.000 tổ chim các loại, thuộc 46 loài chim. Trong đó có nhiều loài chim đã được ghi vào sách Đỏ của Việt Nam như giang sen, cốc đế nhỏ… Đồng thời Thung Nham cũng là nơi cư trú của 109 loài thực vật, 150 loài động vật, trong đó có 58 loài cá, 7 loài ếch nhái, 10 loài có vú… rất cần được bảo tồn và phát triển.
Đoàn đi thuyền ngắm nhìn các đàn chim tại Thung Chim
Trong chuyến đi Thung Chim đợt này, chúng tôi bắt gặp loại chim Hạc, Diệc xám, Cò … mà theo như lời nói của Chị lái đò chở đoàn: thì bây giờ là mùa sinh sản của loài Diệc xám, có con nặng đến 4 kg. Ngồi trên thuyền xuôi theo dòng nước nhẹ nhàng, lắng nghe âm thanh và ngắm nhìn các đàn cò, đàn chim,… chúng tôi đã có được những giây phút bình yên, gần gũi thiên nhiên, cảm nhận được nét đẹp nguyên sơ kỳ thú khó có thể có nơi nào có được.
Một số hình ảnh của chuyến Du xuân đầu năm Ất Tỵ 2025:
Bài và Ảnh: Viện PTBV