(84) 24.36280280/6550; 6551 isd@neu.edu.vn

Toạ đàm khoa học: Widening the Gap: Gendered Impacts of Capital Deepening in Vietnam

Chiều ngày 28/05/2024 tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chương trình Đào tạo Tiến sỹ bằng Tiếng Anh (E-PhD) đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề“Widening the Gap: Gendered Impacts of Capital Deepening in Vietnam”  

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tham gia buổi toạ đàm về phía khách mời: có TS. Nguyễn Thanh Tùng – Giảng viên Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dan. Về phía ban chuyên môn Chương trình E-PHD có PGS.TS. Bạch Ngọc Thắng – Viện PTBV, TS. Nguyễn Hoàng Linh – Khoa Marketing,và các nghiên cứu sinh của chương trình tiếng Anh và tiếng Việt, cùng các đại biểu có quan tâm tham dự.

Mở đầu buổi Toạ đàm TS. Nguyễn Hoàng Linh chào mừng và cảm ơn khách mời, các Thầy Cô và các NCS đang học chương trình tiến sĩ và những người có quan tâm đã tham dự buổi Toạ đàm. Và giới thiệu về diễn giả TS. Nguyễn Thanh Tùng – Ông có bằng Thạc sĩ Chính sách công (Kinh tế công) của Đại học Hitotsubashi. Ông nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Hitotsubashi (Tokyo, Nhật Bản) vào tháng 6 năm 2023. Lĩnh vực quan tâm của ông bao gồm kinh tế lao động, ma sát thị trường và kinh tế phát triển. Nghiên cứu của ông tập trung vào các quy định về thị trường lao động, đặc biệt là mức lương tối thiểu ở các nước đang phát triển. Ông từng là nhà nghiên cứu kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) từ năm 2014 đến năm 2017.

TS. Nguyễn Thanh Tùng ngồi trên cùng bên trái chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu

Tại buổi toạ đàm, TS. Nguyễn Thanh Tùng đề cập về khoảng cách tiền lương giữa các giới. Nghiên cứu này của diễn giả sử dụng các bộ dữ liệu đa dạng để phân tích xu hướng này ở cấp huyện, doanh nghiệp và cá nhân. Nghiên cứu nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tăng cường chiều sâu vốn trong lĩnh vực sản xuất là động lực chính. Phát hiện của nghiên cứu chỉ ra rằng sự sụt giảm về lương của nữ so với nam bắt nguồn từ việc giảm nhu cầu lao động nữ hơn là do các yếu tố bên cung. Ở cấp huyện, kết quả nghiên cứu cho thấy những tác động không đồng nhất giữa các huyện với các giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau. Ở các quận có thu nhập cao, việc tăng cường vốn chủ yếu tác động đến khoảng cách tiền lương theo giới thông qua mức lương theo giờ. Ngược lại, ở các quận có thu nhập thấp, nơi khả năng di chuyển lao động bị hạn chế, việc tăng cường vốn sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến khoảng cách tiền lương giữa các giới thông qua cả giờ làm việc và mức lương theo giờ. Phụ nữ trẻ có trình độ học vấn thấp đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động của việc tăng cường vốn.

Kết thúc buổi toạ đàm, thay mặt Chương trình Đào tạo Tiến sĩ bằng Tiếng Anh, PGS.TS Bạch Ngọc Thắng gửi lời cảm ơn tới diễn giả đã dành thời gian đến trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm về nghiên cứu. Buổi toạ đàm đã đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho các NCS và đại biểu quan tâm.

Buổi tọa đàm khoa học này là hoạt động thường kỳ nằm trong chuỗi các buổi tọa đàm thuộc chương trình đào tạo Tiến sĩ bằng tiếng Anh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong những năm qua. Mục tiêu của chuỗi tọa đàm là hướng đến các nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu trẻ, và giảng viên quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu kinh tế, kinh doanh, quản lý và các lĩnh vực liên ngành khác trong khoa học xã hội. Chuỗi tọa đàm này là nền tảng cho giảng viên và các nhà nghiên cứu trao đổi ý tưởng, kết nối và cộng tác nghiên cứu.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Bài và Ảnh: Viện phát triển bền vững

 

 

.