(84) 24.36280280/6550; 6551 isd@neu.edu.vn

Sinh hoạt khoa học chuyên môn Chương trình EPhD

Được sự đồng ý của Ban chuyên môn EPhD, đơn vị thường trực Ban chuyên môn Chương trình EPhD đã tiến hành tổ chức sinh hoạt khoa học góp ý cho luận án tiến sĩ cấp bộ môn cho hai NCS Chương trình EPhD vào chiều ngày 18/05/2023 tại phòng 1501, Nhà A1, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Quang cảnh buổi sinh hoạt khoa học

Buổi sinh hoạt có sự tham gia của các thầy cô trong ban chuyên môn gồm: PGS.TS. Lê Quang Cảnh – Thường trực Ban Chuyên môn; các thành viên của Ban Chuyên môn: GS.TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, PGS.TS. Bạch Ngọc Thắng – Viện PTBV, PGS.TS. Nguyễn Vũ Hùng – Viện TM & KTQT, PGS.TS. Vũ Huy Thông –Khoa Marketing, TS. Trương Tuấn Anh – Khoa QTKD, TS. Nguyễn Xuân Thắng – Viện Đào tạo SĐH, TS. Trần Huy Phương – Khoa Kinh tế & QLNNL, TS. Trần Huy Đức-Khoa Du lịch & Khách sạn; TS. Nguyễn Lan Ngọc – Khoa Ngoại ngữ Kinh tế, TS. Lê Thị Thu Mai – Khoa Marketing và các nghiên cứu sinh của chương trình.

Tại buổi sinh hoạt có sự trình bày của hai NCS chuyên ngành Quản trị kinh doanh.  NCS. Nguyễn Văn Đại (EPhD 4) với đề tài “An investigation into the logic of artisan product innovation: An institutional logics perspective” và NCS Hoàng Lê An (EPhD2) với đề tài: “Team collective voice: An exploratory research”

 NCS Hoàng Lê An (EPhD2) trình bày tại buổi sinh hoạt

Trong buổi sinh hoạt, NCS Hoàng Lê An giới thiệu tóm tắt về đề tài “Team collective voice: An exploratory research”: Xuất phát từ các lợi ích mà tiếng nói của nhân viên có thể đem lại cho tổ chức và doanh nghiệp đã được khẳng định và kiểm chứng bởi nhiều nghiên cứu trước đây, nghiên cứu này tập trung vào tiếng nói của nhân viên trong tổ chức tại Việt Nam, cụ thể hơn về tiếng nói chung của nhóm, một chủ đề chưa được quan tâm và thiếu thống nhất trong các nghiên cứu trước. Từ góc độ lý thuyết thể chế và lý thuyết tiến hóa về thay đổi kinh tế, nghiên cứu này tập trung phân tích các đặc điểm thể chế tại Việt Nam có ảnh hưởng đến tiếng nói của nhân viên trong tổ chức và làm rõ vai trò quan trọng của tiếng nói chung của nhóm so với tiếng nói của cá nhân trong các tổ chức tại Việt Nam, các đặc điểm, phân loại, cơ chế hình thành của tiếng nói chung của nhóm. Nghiên cứu này cũng xây dựng mô hình đánh giá, so sánh tác động của tiếng nói cá nhân và tiếng nói chung của nhóm đối với hiệu quả đổi mới của nhóm.

NCS. Nguyễn Văn Đại (EPhD 4) trình bày tại buổi sinh hoạt

Với đề tài “An investigation into the logic of artisan product innovation: An institutional logics perspective”, NCS Nguyễn Văn Đại nói tới Các nghiên cứu về đổi mới sáng tạo hiện nay thường ít quan tâm tới đổi mới sản phẩm trong các cơ sở sản xuất và kinh doanh do nghệ nhân làm chủ. Từ trường hợp nghiên cứu điển hình về sản xuất và kinh doanh gốm sứ thủ công, luận án này có mục tiêu xây dựng một khung phân tích lý thuyết cho đổi mới sản phẩm thủ công. Dựa trên cách tiếp cận logic thể chế và bản sắc đối lập thể chế (Counter-institutional identity), luận án chỉ ra rằng đổi mới sản phẩm thủ công là một hành động chiến lược chia thành 2 nhóm: ghép đôi logic chọn lọc và hạt nhân – vệ tinh. Chiến lược đổi mới sản phẩm hạt nhân – vệ tinh có xu hướng được lựa chọn khi bản sắc nghệ nhân và bản sắc doanh nhân đều thể hiện rõ rệt.

Đây là hoạt động nhằm bảo đảm duy trì môi trường trao đổi học thuật, giúp NCS học hỏi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu với các nhà khoa học và NCS khác. Buổi sinh hoạt đã diễn ra với không khí thảo luận rất sôi nổi.

Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt:

 

Bài và ảnh: Viện PTBV