Sinh hoạt khoa học chuyên môn Chương trình EPhD – EPhD3
Được sự đồng ý của Ban chuyên môn EPhD, đơn vị thường trực Ban chuyên môn Chương trình EPhD đã tiến hành tổ chức sinh hoạt khoa học góp ý cho luận án tiến sĩ cấp bộ môn cho NCS Nguyễn Thu Hương – Chương trình EPhD vào chiều ngày 13/9/2024 tại phòng 1501, Nhà A1, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Quang cảnh buổi sinh hoạt khoa học
Buổi sinh hoạt có sự tham gia của các thầy cô trong ban chuyên môn gồm: PGS.TS. Lê Quang Cảnh – Thường trực Ban Chuyên môn; các thành viên của Ban Chuyên môn: GS.TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, PGS.TS.Nguyễn Vũ Hùng, PGS.TS. Bạch Ngọc Thắng, TS. Nguyễn Hoàng Linh – Khoa Marketing; TS. Nguyễn Văn Đại – Khoa Kế hoạch và Phát triển và các nghiên cứu sinh của chương trình.
Tại buổi sinh hoạt, NCS Nguyễn Thu Hương đã trình bày đề tài: “Eco-innovation adoption by agricultural co-operatives in Vietnam”.
NCS. Nguyễn Thu Hương (EPhD3) trình bày tại buổi sinh hoạt
Tại buổi sinh hoạt, NCS đã giới thiệu tóm tắt về đề tài “Eco-innovation adoption by agricultural co-operatives in Vietnam”. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân, góp phần quan trọng ổn định chính trị – xã hội và phát triển đất nước. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng chưa bền vững, có quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, thị trường bất ổn, năng suất lao động thấp, thu nhập của người nông dân vẫn còn bấp bênh. Trong khi đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thu hẹp diện tích canh tác, biến đổi khí hậu, suy giảm hệ sinh thái, dịch bệnh cây trồng và vật nuôi ngày càng tăng hay xu hướng tiêu dùng bền vững. Do đó, để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, Việt Nam cần thực hiện chuyển đổi hệ thống lương, thực thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững thông qua việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng các đổi mới sáng tạo (ĐMST) xanh trong sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh này, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các ĐMST xanh. Đề tài tập trung nghiên cứu hoạt động ĐMST xanh tại các HTX nông nghiệp Việt Nam trên hai hướng chính gồm: (1) tìm hiểu các cách thức mà qua đó các HTX nông nghiệp áp dụng các ĐMST xanh; (2) tác động của các yếu tố thuộc khung lý thuyết Động lực – Cơ hội – Năng lực (MOA: Motivation – Opportunity – Ability) đến việc áp dụng thành công các ĐMST xanh tại các HTX nông nghiệp; (3) tác động của việc áp dụng các ĐMST xanh đến hiệu quả kinh tế của HTX thông qua việc áp dụng lý thuyết nguồn lực tự nhiên (NRBV: Natural resource- based view).
Ở giai đoạn nghiên cứu thứ nhất, đề tài đã sử dụng phương pháp nghiên cứu các trường hợp điển hình để phát triển mô hình áp dụng ĐMST xanh tại các HTX nông nghiệp Việt Nam. Ở giai đoạn nghiên cứu thứ hai, đề tài tiến hành kiểm định mô hình này thông qua số liệu khảo sát các HTX nông nghiệp Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao hiểu biết chung về hoạt động ĐMST tại các HTX nông nghiệp tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Đề tài đã có những đóng góp quan trọng về mặt lý thuyết đối với hướng nghiên cứu về ĐMST xanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như góp phần phát triển các lý thuyết MOA và NRBV. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng đã được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế và được các thành viên Ban chuyên môn đánh giá tốt với hàm lượng giá trị khoa học, đóng góp vào nền tảng tri thức chuyên ngành và là tài liệu tham khảo có giá trị cho các nghiên cứu trong tương lai đặc biệt là những người có mối quan tâm sâu sắc tới lĩnh vực đổi mới sáng tạo xanh, phát triển bền vững và khu vực kinh tế Hợp tác xã.