Tổng kết Dự án “Đánh giá hiểu biết về Kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam”
Kinh doanh có trách nhiệm là cách tiếp cận kinh doanh của các doanh nghiệp trong thế kỷ 21. Việc xây dựng và phát triển kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam còn có ý nghĩa hơn khi Chương trình hành động quốc gia về kinh doanh có trách nhiệm được ban hành. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tự hào là cơ sở giáo dục tiên phong trong phát triển và phổ biến Kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.
Dự án “Đánh giá hiểu biết về Kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam” đã khởi động từ năm 2019, với các hoạt động thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm của UNDP tại Việt Nam, bao gồm hai hợp phần chính: (i) hoàn thiện môi trường kháp lý để tạo thuận lợi cho đóng góp của khu vực doanh nghiệp đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, và (ii) hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mạng lưới đối tác thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trên thực tiễn. Dự án hợp tác của UNDP với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nằm trong nhóm hoạt động thứ hai này. Dự án này gồm có hai Hợp đồng do Viện Phát triển Bền vững chủ trì thực hiện.
Hợp đồng 1: “Research and Course Development on Responsible Business” tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Cùng với UNDP và sự hỗ trợ từ Chính phủ Thụy Điền và Na Uy, Viện Phát triển Bền vững chủ trì triển khai Hợp đồng số 1. Mục tiêu chính của Hợp đồng này là xây dựng môn học về Kinh doanh có trách nhiệm, bao gồm nghiên cứu, xây dựng chương trình, nội dung, tài liệu và lồng ghép vào trong chương trình đào tạo tại Trường. Các công việc chính bao gồm: (i) Xây dựng chương trình giảng dạy về thực hành kinh doanh có trách nhiệm phù hợp với bối cảnh Việt Nam; (ii) Xây dựng tài liệu phục vụ giảng dạy Kinh doanh có trách nhiệm; (iii) Tiến hành nghiên cứu thúc đẩy Thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong Nông nghiệp tại Việt Nam.
Để thực hiện Hợp đồng này, Viện đã phối hợp với các đơn vị trong Trường, bao gồm Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Khoa Kế hoạch và Phát triển và Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên để triển khai các hoạt động. Công việc cụ thể đã triển khai: (i) Đã có 03 tọa đàm xác định nhu cầu, thảo luận chương trình môn học và phương án lồng ghép và đánh giá năng lực giảng viên; (ii) 02 khóa bồi dưỡng ToT (Training of Trainers); (iii) Tổ chức nghiên cứu thực địa tại Hòa Bình và Sơn La.
GS.TS. Nguyễn Văn Thắng trình bày tại tọa đàm về nhu cầu, định hướng xây dựng môn học và phương án tích hợp vào chương trình đào tạo ngày 1/2/2021
Ngoài ra, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam cùng Đại sứ quán Thụy Điển đã tổ chức tọa đàm: “Thúc đẩy đào tạo về kinh doanh có trách nhiệm trong các Trường Đại học khối kinh tế tại Việt Nam.” Tọa đàm hướng tới ba mục tiêu: (iii) Nâng cao nhận thức về cách tiếp cận và khái niệm ‘Kinh doanh có trách nhiệm’ cho giảng viên khối kinh tế/ quản trị kinh doanh và các doanh nghiệp; (iii) Nâng cao năng lực giảng viên trong việc soạn và giảng các nội dung về Kinh doanh có trách nhiệm thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn, và kiến thức từ các chuyên gia, doanh nghiệp, và nhà quản lý; và (iii) Chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà lãnh đạo, doanh nhân về thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam. Các giảng viên tham gia dự án đã thực hiện các khóa bồi dưỡng về Kinh doanh có trách nhiệm và đóng góp ý kiến tham vấn tại các Hội nghị tham vấn xây dựng Chương trình hành động quốc gia về kinh doanh có trách nhiệm do Bộ tư pháp, VCCI và UNDP tổ chức trong năm 2022 và đầu năm 2023.
Khóa Tập huấn ngày 29/06/2022 về “Viết tình huống nghiên cứu về Kinh doanh và Quyền con người” cho đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu thuộc 4 trường đại học: Kinh tế quốc dân, Học viện ngân hàng phân viện Bắc Ninh, Đại học Đà Lạt và Đại học Sài Gòn
Các kết quả cụ thể của Hợp đồng số 1 bao gồm: (i) Môn học “Kinh doanh có trách nhiệm” đã được đưa vào giảng dạy ở bậc đại học và Trường Kinh tế Quốc dân là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam xây dựng và thực hiện giảng dạy “Kinh doanh có trách nhiệm” ở nước ta. (ii) Xây dựng và phát triển tài liệu cho môn học bao gồm slides, các tình huống nghiên cứu và một sách chuyên khảo. (iii) Báo cáo nghiên cứu về Thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong các Hợp tác xã Nông nghiệp tại Việt Nam.
Hợp đồng số 2: “Thúc đẩy Thực hành kinh doanh có trách nhiệm và rà soát quyền con người trong doanh nghiệp”
Dựa trên kết quả của Hợp đồng số 1, với sự hỗ trợ của UNDP và Chính phủ Nhật Bản, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở rộng đào tạo và bồi dưỡng nâng cao nhận thức về Kinh doanh có trách nhiệm và rà soát quyền con người trong kinh doanh cho các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng của Nhật Bản. Nội dung của các khóa học trang bị cho các doanh nghiệp về Kinh doanh có trách nhiệm, Nguyên tắc hướng dẫn kinh doanh và quyền con người của Liên hợp quốc, Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện rà soát quyền con người trong kinh doanh. Tổng cộng đã có 06 Khóa bồi dưỡng được triển khai tại 6 tỉnh: Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Dương và Đồng Nai. Các khóa học này đã được triển khai tới 222 học viên đến từ 149 doanh nghiệp Nhật Bản và các đối tác của doanh nghiệp Nhật Bản. Khóa đào tạo đã nhận được đánh giá cao từ các học viên về nội dung, tính ứng dụng và tổ chức. Hiện tại, nhóm nghiên cứu do Viện Phát triển bền vững chủ trì đã hoàn thiện xây dựng bộ tài liệu giảng dạy về “Kinh doanh có trách nhiệm và hướng dẫn rà soát quyền con người trong kinh doanh” và sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu.
Khoá tập huấn “Thúc đẩy Thực hành kinh doanh có trách nhiệm và rà soát quyền con người trong doanh nghiệp” tại 6 tỉnh
Kinh doanh có trách nhiệm là cách tiếp cận kinh doanh của thế kỷ XXI. Trên thế giới đã có hơn 30 quốc gia đã chính thức xây dựng và ban hành Chương trình hành động quốc gia về kinh doanh có trách nhiệm, nhằm mục đích nâng cao hiểu biết và năng lực của chính phủ, doanh nghiệp, nhà cung cấp và đối tác trong việc thực thi kinh doanh có trách nhiệm. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm và tôn trọng quyền con người trong kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro tiềm ẩn, cải thiện khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng tới phát triển bền vững.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tự hào là đơn vị đi tiên phong về giảng dạy kinh doanh có trách nhiệm và lồng ghép kinh doanh có trách nhiệm trong các chương trình đào tạo về kinh doanh tại Trường. Đây cũng là bước đi của Nhà Trường đóng góp cho việc xây dựng và thực thi Chương trình hành động quốc gia về Kinh doanh có trách nhiệm của Việt Nam, dự kiến ban hành trong Quý 3 năm này. Đồng thời là cơ sở quan trọng để Nhà trường thực thi sứ mệnh, trách nhiệm xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững.
Một số hình ảnh của Dự án từ khi bắt đầu triển khai.
Tọa đàm lồng ghép Kinh doanh có trách nhiệm vào chương trình đào tạo bậc đại học tại Trường Kinh tế quốc dân (ngày 1/2/2021) GS.TS.Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm:“Thúc đẩy đào tạo về kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” ngày 25/8 và 26/8/7/2021
PGS.TS. Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc chương trình khóa Bồi dưỡng: “Kinh doanh có trách nhiệm và Các hướng dẫn rà soát quyền con người trong kinh doanh” ngày 17/12/2021
Bà Hà Phùng, Đại diện UNDP Việt Nam phát biểu trong chương trình khai mạc chương trình khóa Bồi dưỡng: “Kinh doanh có trách nhiệm và Hướng dẫn rà soát quyền con người trong kinh doanh” ngày 17/12/2021
Ông Livio Sarandrea – Cố vấn trưởng toàn cầu về Kinh doanh và Quyền con người của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tham gia chia sẻ trong khóa bồi dưỡng ngày 8/4/2022
Ông Yuji Shinohara, chuyên gia quản trị cao cấp của UNDP và Chính phủ Nhật Bản tham gia đào tạo trong các khóa bồi dưỡng
Ông Timothy McLaughlin, chuyên gia cao cấp của UNDP tham gia đào tạo trong các khóa bồi dưỡng
Nhóm chuyên gia NEU tham gia Hội thảo tham vấn xây dựng “Chương trình hành động quốc gia về Kinh doanh có trách nhiệm” ngày 27/12/2022
PGS.TS. Lê Quang Cảnh – Quyền Viện trưởng, Viện Phát triển bền vững phụ trách giảng dạy nội dung về “Kinh doanh có trách nhiệm”
GS.TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai – Giảng viên cao cấp Viện phát triển bền vững phụ trách điều phối phiên thảo luận 3 bên
Th.S. Nguyễn Ngọc Hiên – Giảng viên trường Đại học KTQD phụ trách giảng dạy nội dung về “Rà soát chuỗi cung ứng”
Ban tổ chức các khoá bồi dưỡng đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân và UNDP
Bài và ảnh: Viện PTBV