(84) 24.36280280/6550; 6551 isd@neu.edu.vn

Tọa đàm khoa học: Social Innovation in the field of Education Disadvantage Reduction: A study of the mechanisms leading to social change and social impact measurement

Nằm trong chuỗi hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Chương trình Tiến sĩ bằng tiếng Anh (E-PHD), chiều ngày 24/5/2022, tại Viện Phát triển bền vững, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, đã diễn ra Tọa đàm khoa học với tựa đề: “Social Innovation in the field of Education Disadvantage Reduction: A study of the mechanisms leading to social change and social impact measurement”.

Đổi mới xã hội đang trở thành động lực sâu sắc thúc đẩy sự thay đổi và thích ứng để đảm bảo một xã hội tốt đẹp hơn. Trong lĩnh vực giáo dục, chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm nâng cao chất lượng, đổi mới và định hướng phát triển giáo dục. Mặc dù số lượng trường học và số học sinh nhập học tăng nhanh, tuy nhiên vẫn tồn tại những thách thức trong việc cung cấp một nền giáo dục có chất lượng cho các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là ở các nhóm trẻ em “bên lề”; do đó, việc chuyển đổi giáo dục thông qua đổi mới xã hội là rất cần thiết. Mặt khác, các nghiên cứu trước đây tập trung vào các cơ chế thay đổi do các đổi mới xã hội đang được áp dụng để giảm thiểu thiệt thòi về giáo dục vẫn còn hạn chế, cả trên toàn cầu và ở Việt Nam. Chính vì vậy, các nghiên cứu trong lĩnh vực này lại càng trở nên cấp bách hơn.

PGS.TS. Bạch Ngọc Thắng điều phối tọa đàm

Tham dự buổi tọa đàm, về phía diễn giả khách mời có ThS. Đinh Anh Tuấn – giảng viên Khoa Đầu tư, Trường đại học Kinh tế Quốc dân; hiện là nghiên cứu sinh tại Khoa Kinh doanh và Luật, Đại học Northampton, Vương quốc Anh. Về phía ban chuyên môn E-PHD có GS.TS. Nguyễn Văn Thắng, PGS.TS. Lê Quang Cảnh, PGS.TS. Bạch Ngọc Thắng, PGS.TS. Nguyễn Vũ Hùng, các nghiên cứu sinh của E-PHD và các đại biểu có quan tâm tham dự trực tiếp.

Trình bày tại buổi tọa đàm, ThS. Đinh Anh Tuấn đã chia sẻ phương pháp và kết quả nghiên cứu của mình. Với việc áp dụng cách tiếp cận định tính để thu thập dữ liệu nhằm khám phá bảy sáng kiến đổi mới xã hội ở Việt Nam, được thiết kế để hỗ trợ chuyển đổi giáo dục và giảm thiểu bất lợi trong giáo dục. Tác giả đã tiến hành 35 cuộc phỏng vấn bán cấu trúc với phụ huynh, lãnh đạo nhà trường, giáo viên, học sinh, các nhà đổi mới xã hội và các tổ chức phi chính phủ để khám phá các cơ chế thay đổi được xác định thông qua các sáng kiến đổi mới xã hội. Kết quả phân tích chuyên sâu nhấn mạnh sự thiếu đại diện trong việc ra quyết định và kế thừa vốn văn hóa, vốn được coi là yếu tố quyết định hình thành sự bất lợi của trẻ em trong giáo dục, tương ứng với sự bất bình đẳng về hỗ trợ và cơ hội giáo dục.

ThS. Đinh Anh Tuấn trình bày nghiên cứu

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đổi mới xã hội trong giáo dục cũng tạo ra những tác động hỗ trợ cho các thay đổi bền vững, bằng cách giải quyết một số rào cản tồn tại trong môi trường thể chế. Việc kết hợp những hành động từ các bên liên quan khác nhau trong hệ thống đã giúp thúc đẩy tác động ở cấp cộng đồng. Tuy nhiên, tác động này đã bị phủ nhận một phần bởi vị thế của phụ huynh, nhà trường và giáo viên là những người tích cực tạo ra kiến thức và nguồn lực cho trẻ em để khắc phục những thiệt thòi trong giáo dục. Từ kết quả phân tích, nghiên cứu cũng đề xuất một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam và các nước có thu nhập trung bình khác.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu, các nghiên cứu sinh E-PHD đã tham gia phát biểu, thảo luận cởi mở và sôi nổi với nhau và với diễn giả từ phát triển ý tưởng, khung lý thuyết .v.v… cho tới các vấn đề liên quan tới bất cập trong đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Với những góc nhìn đa chiều, một số đại biểu và nghiên cứu sinh E-PHD đã nêu những ý kiến, chia sẻ như: việc học trường chuyên, lớp chọn hay sự áp đặt, kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, .v.v… cũng thể hiện sự thiệt thòi đối với học sinh.

Diễn giả trả lời các câu hỏi

Sau thời gian dài phải giãn cách do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây là một trong những buổi tọa đàm khoa học trực tiếp tại Viện Phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng là hoạt động thường kỳ nằm trong chuỗi các buổi tọa đàm của chương trình Tiến sĩ bằng tiếng Anh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong những năm qua. Mục tiêu của chuỗi tọa đàm là hướng đến các nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu trẻ, và giảng viên quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu kinh tế, kinh doanh, quản lý và các lĩnh vực liên ngành khác trong khoa học xã hội. Chuỗi tọa đàm này là nền tảng cho giảng viên và các nhà nghiên cứu trao đổi ý tưởng, kết nối và cộng tác nghiên cứu.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm

Bài và ảnh: Viện Phát triển bền vững.