Toạ đàm khoa học: Respiratory Health among Older Adults in Vietnam: Does Earlier-Life Military Role and War Exposure Matter?
Nằm trong chuỗi hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Chương trình Tiến sĩ bằng tiếng Anh (E-PHD, sáng ngày 15/12/2022 Viện phát triển bền vững, Trường đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Tọa đàm khoa học với tựa đề: “Respiratory Health among Older Adults in Vietnam: Does Earlier-Life Military Role and War Exposure Matter?”.
PGS.TS. Bạch Ngọc Thắng giới thiệu về diễn giử tại tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm, về phía diễn giả khách mời có Bussarawan (Puk) Teerawichitchainan – Phó giáo sư và Chủ tịch nghiên cứu sau đại học, Khoa Xã hội học; Đồng Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Dân số, Đại học Quốc gia Singapore. Về phía ban chuyên môn E-PHD có PGS.TS. Lê Quang Cảnh, PGS.TS. Bạch Ngọc Thắng, GS.TS. Giang Thanh Long, các nghiên cứu sinh của E-PHD, NCS chương trình tiếng Việt và các đại biểu có quan tâm tham dự trực tiếp.
Trình bày tại buổi tọa đàm, GS. Bussarawan (Puk) Teerawichitchainan đã chia sẻ phương pháp và kết quả nghiên cứu của mình. Nội dung của nghiên cứu là khám phá vai trò của việc tham gia nghĩa vụ quân sự từ sớm và chấn thương trong chiến tranh có liên quan như thế nào đến sức khỏe hô hấp sau này ở Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng ở đây là: Mẫu dân số từ 60 tuổi trở lên được lấy từ Nghiên cứu Lão hóa và Sức khỏe Việt Nam 2018. Hồi quy logistic nhị phân và Poisson điều tra mối tương quan của sức khỏe tổng thể của phổi, được đo bằng tổng số bốn điều kiện và các điều kiện riêng lẻ, tập trung vào các trải nghiệm thời chiến trong cuộc sống sớm hơn. Kết quả: Phơi nhiễm có liên quan đến tình trạng phổi. Nhìn chung, độ phơi nhiễm tăng một độ lệch chuẩn dẫn đến thêm 0,529 điều kiện (p≤0,001). Có kết quả khác nhau giữa các vai trò quân sự và được giải thích một phần bởi PTSD và hút thuốc. Những người dân tiếp xúc nhiều với chấn thương chiến tranh có sức khỏe phổi kém hơn so với quân nhân chính thức và không chính thức tiếp xúc tương tự.
Bussarawan (Puk) Teerawichitchainan trình bày nghiên cứu
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu, các nghiên cứu sinh E-PHD đã tham gia phát biểu, thảo luận cởi mở và sôi nổi với nhau và với diễn giả. Nội dung thảo luận: Tiếp xúc với chiến tranh sớm hơn là một yếu tố dự báo quan trọng về sức khỏe hô hấp ở tuổi trưởng thành muộn ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Bằng chứng kêu gọi sự chú ý đến những tác động lâu dài của chiến tranh đối với sức khỏe của không chỉ quân nhân chính thức và không chính thức mà còn cả dân thường.
Kết thúc buổi toạ đàm, thay mặt ban tổ chức GS.TS. Giang Thanh Long đã gửi tới Bà Bussarawan (Puk) Teerawichitchainan món quà lưu niệm, cảm ơn Bà đã dành thời gian đến trao đổi và chia sẻ các thông tin liên quan nghiên cứu của mình.
GS.TS. Giang Thanh Long trao quà lưu niệm cho bà Bussarawan (Puk) Teerawichitchainan
Buổi toạ đàm là hoạt động thường kỳ nằm trong chuỗi các buổi tọa đàm của chương trình Tiến sĩ bằng tiếng Anh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong những năm qua. Mục tiêu của chuỗi tọa đàm là hướng đến các nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu trẻ, và giảng viên quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu kinh tế, kinh doanh, quản lý và các lĩnh vực liên ngành khác trong khoa học xã hội. Chuỗi tọa đàm này là nền tảng cho giảng viên và các nhà nghiên cứu trao đổi ý tưởng, kết nối và cộng tác nghiên cứu.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm
Bài và ảnh: Viện PTBV