Tạp chí JED của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân gia nhập Scopus: Lan tỏa khoa học Việt Nam trên cộng đồng quốc tế
Ngày 16.1, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ công bố Tạp chí Kinh tế và Phát triển (JED) gia nhập danh mục Scopus.
Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết việc đưa Tạp chí Kinh tế và Phát triển bản tiếng Anh gia nhập danh mục Scopus là nội dung quan trọng được đề ra trong Chiến lược phát triển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giai đoạn 2021 – 2030.
Sau quá trình nỗ lực bền bỉ cùng quy trình đăng ký, thẩm định, đánh giá và xét duyệt hồ sơ nghiêm ngặt, ngày 10.12.2023, Tạp chí JED của nhà trường chính thức được ghi tên vào danh sách các tạp chí thuộc danh mục Scopus. Đây là bước tiến lớn trong hơn 30 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí và là đóng góp quan trọng trong lịch sử 68 năm xây dựng và phát triển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
“Sự kiện Tạp chí JED gia nhập Scopus là niềm vinh dự và tự hào của tập thể sư phạm nhà trường, đã chứng tỏ năng lực nghiên cứu khoa học, không chỉ của các nhà khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mà còn của các nhà khoa học Việt Nam. Đây cũng là bằng chứng của sự liên kết chặt chẽ, của sự tiếp nối và lan tỏa tri thức giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước thông qua việc công bố các bài báo khoa học đạt tiêu chuẩn quốc tế, có ảnh hưởng sâu rộng”, GS.TS Phạm Hồng Chương cho hay.
Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ tin tưởng, thành công hôm nay của Tạp chí JED sẽ mở ra những cơ hội mới.
Đồng thời, khẳng định Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để Tạp chí JED có thể khẳng định được vị thế của một tạp chí quốc tế uy tín tại Việt Nam trong Scopus; là nơi quy tụ, kết nối các nhà khoa học trong nước công bố các bài báo khoa học chất lượng cao, đóng góp vào tri thức toàn cầu. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao danh tiếng học thuật của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, của nhà khoa học Việt Nam trong khu vực và thế giới.
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Bộ GD-ĐT, Bộ KH&CN và các cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng khoa học đối với Tạp chí JED nói riêng và tạp chí khoa học Việt Nam nói chung”, GS.TS Phạm Hồng Chương chia sẻ.
Nâng cao sự hiện diện và lan tỏa khoa học Việt Nam trên cộng đồng khoa học quốc tế
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, Tạp chí Kinh tế và Phát triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là tạp chí thứ hai trong các tạp chí từ các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT thành công trong việc gia nhập danh mục Scopus (trước đó, hơn 1 năm trước, tạp chí của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng đã gia nhập thành công hệ thống của Scopus). Đây là nỗ lực rất bền bỉ, dựa trên quá trình chuẩn bị rất lâu.
Thứ trưởng cho hay, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện quốc tế hóa giáo dục đại học nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, giúp thúc đẩy quá trình hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
10 năm qua, số lượng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trên các tạp chí uy tín Web of Science (WoS) và Scopus tăng hơn 4 lần. “Đến giờ này, có thể khẳng định rằng đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học ở các đại học, trường đại học Việt Nam đã trưởng thành về mặt khoa học và thật sự có năng lực để công bố quốc tế, hội nhập với thế giới”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng thông tin, theo thống kê của Bộ GD-ĐT đối với những cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ, ngoài số lượng công bố tăng lên, chất lượng công bố cũng tăng lên rất nhiều, đặc biệt là các bài công bố quốc tế trong nhóm Q1, Q2.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, ngày 15.01.2019, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 69/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng giáo đục đại học giai đoạn 2019-2025”. Trong cấu phần của Đề án này, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt dự án hỗ trợ 21 tạp chí khoa học thuộc các cơ sở giáo dục đại học thực hiện nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có 19 tạp chí gia nhập cơ sở dữ liệu khoa học Đông Nam Á (ACI) và 2 tạp chí gia nhập cơ sở dữ liệu khoa học Scopus.
Tạp chí Kinh tế và Phát triển là một trong số các tạp chí của các trường đại học được thụ hưởng Đề án này.
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc Tạp chí Kinh tế và Phát triển (JED) được gia nhập Scopus là minh chứng cho việc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí JED đã thực hiện thành công nhiệm vụ Dự án của Bộ GD-ĐT triển khai trong giai đoạn từ 2019 đến nay.
“Tôi vui mừng và ghi nhận nỗ lực của Trường Đại học kinh tế Quốc dân và Tạp chí JED đã sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ từ dự án của Bộ để có những bước phát triển vượt bậc vươn tầm quốc tế, chính thức được chỉ mục trong danh mục Scopus uy tín; trở thành tạp thứ 2 trong khối ngành kinh tế và KHXH&NV của Việt Nam và là tạp chí thứ 12 của Việt Nam được gia nhập Scopus”, Thứ trưởng nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, thành công của JED cho thấy sự đầu tư nguồn lực đối ứng hiệu quả của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân để tạo cơ sở cho Tạp chí JED phát triển bền vững và đạt được thành công hôm nay.
Với việc JED được gia nhập Scopus, từ nay các nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam có thể tham gia công bố quốc tế tại Tạp chí JED, thay vì chỉ công bố tại các tạp chí quốc tế như trước đây. Điều này sẽ góp phần nâng cao sự hiện diện và lan tỏa khoa học Việt Nam trên cộng đồng khoa học quốc tế.
Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái nhìn nhận, quá trình đưa Tạp chí Kinh tế và Phát triển (JED) gia nhập danh mục Scopus đòi hỏi rất nhiều mồ hôi, nước mắt và công sức của Hội đồng biên tập, Ban biên tập, viên chức, người lao động của tạp chí cũng như lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Khẳng định việc đưa một tạp chí thuộc lĩnh vực kinh tế xã hội vào danh mục uy tín quốc tế không phải điều dễ dàng, nếu so với các lĩnh vực khác như Khoa học tự nhiên, Thứ trưởng Trần Hồng Thái bày tỏ sự vinh dự, tự hào trước sự kiện Tạp chí Kinh tế và Phát triển (JED) gia nhập danh mục Scopus.
Scopus là một cơ sở dữ liệu khoa học có uy tín được xây dựng từ tháng 11.2004. Để được liệt kê vào danh sách Scopus, các tạp chí đều phải vượt qua vòng đánh giá, lựa chọn nghiêm ngặt từ Hội đồng thẩm định chuyên môn với 21 tiêu chí liên quan đến các nội dung quan trọng như: Tính đa dạng quốc tế Ban biên tập và tác giả, chất lượng bài viết, hệ số trích dẫn, chính sách công khai của Tạp chí…
JED là Tạp chí khoa học về lĩnh vực kinh tế và phát triển bao gồm hai phiên bản: Phiên bản tiếng Anh phát hành 4 số/năm trên hệ thống của Nhà xuất bản Emerald; và phiên bản tiếng Việt xuất bản 12 số/năm.
Tính từ thời điểm chính thức hiện diện trên cơ sở dữ liệu của Hệ thống Nhà xuất bản Emerald từ tháng 5.2019 đến nay, JED đã xuất bản được 15 số với 104 bài nghiên cứu của tác giả đến từ 45 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó, số tác giả người nước ngoài chiếm hơn 70%.
JED có tỷ lệ chấp thuận bài mỗi năm khoảng 10%, thể hiện tính chọn lọc cao về chất lượng khoa học trong từng khâu xét duyệt. Tính đến quý IV/2023, JED đang có chỉ số Citescore (chỉ số ảnh hưởng của Scopus) là 3,96, trong đó các lĩnh vực Kinh tế học và Kinh tế lượng (Economics and Econometrics), Tài chính (Finance), Phát triển (Development) đều trong phân vị cao Q2. Tính đến hết năm 2023, JED đã được chỉ mục trong Scopus, EconLit, EBSCO, Cabell’s Directories, Discovery Service, Directory of Open Access Journals (DOAJ), ASEAN Citation Index (ACI), Google Scholar, WorldCat, Proquest…
Trong hành trình gia nhập Scopus, JED đã thực hiện hàng loạt các hoạt động tăng cường tính quốc tế hóa và nhận diện trên các diễn đàn học thuật như: Phối hợp tổ chức thành công chuỗi hội thảo khoa học quốc tế hàng năm của NEU về “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh” (CIEMB); Mời các học giả, nhà khoa học có uy tín là Tổng biên tập các tạp chí hàng đầu thế giới tham gia Hội đồng biên tập; Thu hút và đặt hàng các nhà khoa học có uy tín của nước ngoài và Việt Nam viết các chủ đề mới trong phạm vi công bố của JED; Phối hợp với Nhà xuất bản Emerald quảng bá hình ảnh của JED trên các diễn đàn khoa học…
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân