(84) 24.36280280/6550; 6551 isd@neu.edu.vn

Chuyến thăm làng nghề gốm sứ Bát Tràng của Thầy trò chương trình Tiến sĩ bằng Tiếng Anh

Vào một ngày mùa đông đầu tháng 1 năm 2024, Chúng tôi, những người Thầy, người Cô, các bạn nghiên cứu sinh đến từ các khoá khác nhau của chương trình Tiến sĩ bằng Tiếng Anh đã có chuyến tham quan, giao lưu, học hỏi cùng các nghệ nhân và những người đầy tâm huyết với sự phát triển của Làng gốm sứ Bát Tràng.

Trong chuyến đi này, cả đoàn chúng tôi sẽ đi thăm quan bốn địa điểm. Nơi chúng tôi đặt chân đến đầu tiên là Trung tâm trưng bày và Giới thiệu sản phẩm gốm Làng nghề truyền thống Giang Cao xã Bát Tràng, Gốm bát Tràng có nhiều kiểu dáng, chủng loại, kích thước, phân loại theo chức năng như sau: đồ thờ cúng có lư hương, chân đèn, chân nến, phù hương, nậm rượu, chóe…Đồ gia dụng có bát, đĩa, ấm chén, vò, lọ, chậu…Tại đây, chúng tôi vừa tham quan và thưởng thức các sản phẩm gốm sứ và được tiếp đón bởi Chú Đặng Đình Túc, Trưởng ban đại diện làng nghề gốm sứ Giang Cao, Bát Tràng. Chú Túc đã giới thiệu cho chúng tôi những thông tin khái quát nhất về Làng gốm Bát Tràng: Làng gốm Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Xã có hai thôn là thôn Bát Tràng và Thôn Giáng Cao. Toàn xã chỉ có 164,3ha đất, trong đó 43ha đất thổ cư. 753 hộ gia đình làng Bát Tràng cư trú trên diện tích hẹp 18ha. Có 5,3 ha đất thổ cư thuộc diện làng cổ Bát Tràng.

 

Chú Đặng Đình Túc, Trưởng ban đại diện làng nghề gốm sứ Giang Cao, Bát Tràng tiếp đón đoàn

Điểm thứ hai chúng tôi được chú Túc đưa đi thăm cơ sở sản xuất của Nghệ nhân Gốm Nguyễn Trọng Nghĩa. Tại đây, nghệ nhân Nghĩa đã đưa đoàn tham quan xưởng sản xuất của gia đình, và giới thiệu về các công đoạn làm ra một sản phẩm gốm như thế nào, gốm Bát Tràng có các dòng men riêng từ loại men ngọc cùng với nâu và trắng cho đến men rạn với cốt gốm xốp có màu xám nâu. Tất cả các loại hình sản phẩm đều được chế tác tinh xảo theo một quy trình nghiêm ngặt cùng với tay nghề của những người dân dày dạn kinh nghiệm.

Nghệ nhân gốm Nguyễn Trọng Nghĩa giới thiệu về một số công đoạn trong quy trình

Nghệ nhân gốm Nguyễn Trọng Nghĩa giới thiệu một số sản phẩm do chính tay mình làm ra

Địa điểm thứ ba mà chúng tôi ghé thăm là phòng trưng bày gốm của nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn tại làng Bát Tràng, mọi người có cảm giác như đang lạc vào một không gian thuần Việt mang nét đặc trưng của ngôi nhà thuộc đồng bằng Bắc Bộ và “tròn mắt” ngắm những tuyệt tác của ông. Tô Thanh Sơn là một trong bốn nghệ nhân tài ba nhất làng gốm Bát Tràng. Với kinh nghiệm và tâm huyết nghề gốm nhiều năm, ông đã cho ra đời vô số những sản phẩm gốm Bát Tràng được người sử dụng tin tưởng như đồ thờ, ấm chén, bát đĩa,… bằng gốm Bát Tràng.

Ảnh đoàn thăm quan phòng trưng bày của Nghệ nhân Ưu tú Tô Thanh Sơn tại làng Bát Tràng

Cuối cùng đoàn ghé thăm showroom gốm sứ Cương Duyên. Nhờ sự dày công nghiên cứu và liên tục thử nghiệm những thủ pháp mới, nghệ nhân đã nâng tầm đẳng cấp thương hiệu Cương Duyên, mở rộng quy mô và từng bước chinh phục những thành công. Dẫn đầu dòng gốm sứ cao cấp và độc bản tại Việt Nam Với kĩ thuật chế tác riêng biệt và đôi tay tài hoa của các nghệ nhân lò gốm, Cương Duyên từng bước chinh phục khách hàng bởi những sản phẩm gốm trang trí độc bản, đồ thờ men lam, phong thuỷ thượng hạng.

Hình ảnh Thăm showroom gốm sứ Cương Duyên.

Kết thúc chuyến tham quan, chúng tôi đều cảm thấy vô cùng thú vị khi bắt gặp những bình hoa, chậu gốm trưng bày khắp các ngõ ngách trong làng hay những bức tường phơi than thật đặc sắc, và nể phục trước sự tài tình, khéo léo, tỉ mỉ của các nghệ nhân trong nghề. Nhờ bàn tay điêu luyện đã biến nắm đất thành tác phẩm nghệ thuật tinh túy và sinh động, tạo nên tinh hoa và bản sắc riêng của nghề gốm Việt Nam.

Một số hình ảnh của chuyến tham quan:

Bài và ảnh: Viện PTBV