(84) 24.36280280/6550; 6551 isd@neu.edu.vn

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN GIAI ĐOẠN 2021 – 2030

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN GIAI ĐOẠN 2021 – 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 314/QĐ-ĐHKTQD, ngày 20/7/2021 của Hiệu trưởng)

PHẦN THỨ NHẤT: SỨ MẠNG, TẦM NHÌN VÀ GIÁ TRỊ CỐT LÕI

1.1 Sứ mệnh

– Tiên phong trong đổi mới, phát triển và phổ biến tri thức về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; thu hút và đào tạo nhân tài; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phụng sự sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

– Đào tạo ra các nhà lãnh đạo và những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam.

– Trung tâm nghiên cứu xuất sắc, đề xuất xây dựng đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và tư vấn giải pháp cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.

1.2 Tầm nhìn

– Đại học theo định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, thuộc nhóm 5 đại học hàng đầu của Việt Nam.

– Top 100 trường đại học tốt nhất châu Á trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh theo chuẩn mực xếp hạng quốc tế.

1.3 Giá trị cốt lõi

Sáng tạo. Xây dựng môi trường học tập và nghiên cứu thân thiện, đảm bảo cho viên chức, người lao động, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh được tự do sáng tạo, phát triển tư duy; tôn trọng ý kiến phản biện khách quan, có cơ sở khoa học; giữ vững và phát huy vai trò đi đầu trong đổi mới và sáng tạo, tạo dựng bản sắc riêng.

Đoàn kết. Tập thể sư phạm Trường là một khối thống nhất, đồng tâm nhất trí vì sự phát triển; sẵn sàng hợp tác, chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Mạng lưới cựu sinh viên, học viên và các đối tác luôn là một phần gắn bó chặt chẽ của Trường.

Liêm chính. Tôn trọng sự trung thực, công bằng, minh bạch trong tất cả các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và quản trị đại học; công khai, thực hiện nghiêm túc những cam kết đối với người học, viên chức, người lao động, cộng đồng và xã hội.

Hiệu quả. Hướng tới nâng cao chất lượng, hiệu quả tối ưu nhằm đảm bảo sử dụng tốt nhất và bền vững các nguồn lực; tầm nhìn dài hạn được chú trọng để đảm bảo sự phát triển liên tục.

Trách nhiệm. Suy nghĩ và hành động với tinh thần trách nhiệm cao, hết mình vì sự nghiệp chung; lợi ích của mỗi cá nhân gắn liền với sự phát triển của Trường.

1.4 Triết lý giáo dục

– Kiến tạo con đường thông minh để mỗi người trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, mang lại giá trị cho cộng đồng.

1.5. Định vị Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong các trường đại học hàng đầu của Việt Nam và đang có vị trí thuận lợi để phát triển.

PHẦN THỨ HAI: MỤC TIÊU VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN

2.1 Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2030, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở thành đại học tự chủ, đi tiên phong trong chuyển đổi số, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Trường là trung tâm thu hút đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, địa điểm làm việc của những chuyên gia hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, là lựa chọn ưu tiên cao nhất của các học sinh xuất sắc có hoài bão và tâm huyết để đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội.

2.2 Chiến lược tổ chức bộ máy

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ xây dựng và chuyển đổi mô hình tổ chức thành đại học với 3 cấp, bao gồm: (1). Đại học; (2). Các trường thành viên, các viện/trung tâm nghiên cứu; (3). Các Khoa/ Bộ môn hoặc đơn vị chuyên môn. Bên cạnh các đơn vị này là hệ thống các đơn vị chức năng, dịch vụ, hỗ trợ công tác đào tạo.

Hệ thống các Trường thành viên dự kiến bao gồm: Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế, Trường Khoa học và Công nghệ và một số các trường khác (theo điều kiện và lộ trình phát triển).

Tăng cường tự chủ cho các đơn vị trong trường là chủ trương xuyên suốt trong mô hình tổ chức của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bên cạnh tự chủ về học thuật, các đơn vị cũng sẽ được phân cấp quản lý tài chính.

2.3 Chiến lược đào tạo

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tập trung phát triển các chương trình giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhất cả nước về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Trường tiếp tục thu hút những sinh viên, học viên xuất sắc, có hoài bão và tâm huyết thay đổi cộng đồng và xã hội, đảm bảo tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và mức thu nhập cao hàng đầu trong các trường đại học của Việt Nam, kết nối chặt chẽ giữa sinh viên với cựu sinh viên các thế hệ, xây dựng cộng đồng Đại học Kinh tế Quốc dân có truyền thống vẻ vang và tự hào.

Trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng tăng cường hội nhập và gắn kết với thực tiễn. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện đổi mới toàn diện chương trình đào tạo, tăng cường đào tạo bằng tiếng Anh, chuẩn hóa và cung cấp đầy đủ hệ thống học liệu tiên tiến nhất cho người học, thực hiện kiểm định quốc tế các chương trình đào tạo, tăng hàm lượng thực tiễn trong quá trình đào tạo thông qua việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên kiêm giảng từ các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài, nâng cao hiệu quả của các bài tập tình huống, các chuyến tham quan thực tế, các kỳ thực tập, tiên phong trong việc mở các ngành đào tạo và đưa vào chương trình đào tạo các môn học mới đáp ứng nhu cầu xã hội.

Từng bước mở rộng sang các lĩnh vực và ngành đào tạo mới, liên ngành, xuyên ngành. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ phát triển mạnh ngành công nghệ thông tin, tập trung vào định hướng chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong quản lý, kinh tế và quản trị kinh doanh, tạo nền móng trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này. Trường sẽ thúc đẩy nhanh chóng việc giảng dạy các nội dung về công nghệ, kỹ thuật trong các ngành tài chính, du lịch và môi trường để tiến tới đào tạo toàn diện các ngành kinh tế này.

Đổi mới mạnh mẽ công nghệ và phương thức đào tạo theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy trên quan điểm lấy người học làm trung tâm. Phương thức đào tạo chủ yếu của Trường sẽ là phương thức kết hợp, bảo đảm người học có quyền lựa chọn cao nhất đối với các chương trình và nội dung đào tạo. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ nhanh chóng tiến tới thống nhất một chuẩn mực chất lượng không phân biệt các hình thức đào tạo, phấn đấu có tỷ lệ sinh viên/ giảng viên vào loại thấp nhất trong các trường đại học, thực hiện công nhận văn bằng, tín chỉ, liên thông với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng mạng lưới liên kết rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức thực tiễn. Trường hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp lớn trong hầu hết các mặt hoạt động, từ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, kiến tập, thực tập tiếp tục mở rộng tới các hoạt động truyền thông, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Trường nghiên cứu và triển khai áp dụng mô hình hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Xây dựng cơ cấu hợp lý giữa các trình độ đào tạo. Đào tạo bậc đại học là nền tảng của Trường với số lượng lớn nhất. Đào tạo bậc thạc sĩ mang tính tiên phong (phản ứng nhanh với nhu cầu của thực tiễn kinh tế xã hội) hướng tới đội ngũ cán bộ quản lý trong các tổ chức, doanh nghiệp. Đào tạo bậc tiến sĩ mang tính chất tinh hoa sẽ hướng tới việc phát triển một đội ngũ các nhà khoa học cho các trường đại học, các viện nghiên cứu. Tỷ lệ giữa các bậc đào tạo (Tiến sĩ/ Thạc sĩ/ Cử nhân) dự kiến sẽ xoay quanh 1/20/100.

Đẩy mạnh thu hút sinh viên quốc tế. Trước hết tập trung vào trao đổi sinh viên với các trường đại học trong khu vực và các trường đã có quan hệ hợp tác truyền thống. Tiếp tục phát triển số lượng du học sinh Lào và Campuchia đồng thời thu hút các sinh viên quốc tế từ các quốc gia khác trong khu vực theo học các chương trình tiên tiến và các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh của Trường.

2.4 Chiến lược khoa học công nghệ

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đi tiên phong trong việc nghiên cứu triển khai chuyển đổi số trong quản trị tại các doanh nghiệp và các tổ chức khác nhằm giữ vững và phát huy vị thế của một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh dựa trên những nền tảng của các công nghệ mới. Trường trở thành Trung tâm nghiên cứu xử lý dữ liệu lớn (big data) và áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để mô phỏng, đánh giá tác động, hiệu quả của các chính sách phát triển kinh tế xã hội của đất nước, các quyết định chiến lược của các doanh nghiệp lớn.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tư vấn chính sách kinh tế và quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam. Đảm bảo số lượng và doanh thu từ đề tài các cấp, các hợp đồng tư vấn cho Nhà nước, các địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp là lớn nhất trong các trường đại học kinh tế. Có ý kiến kịp thời về các vấn đề trọng yếu trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Ưu tiên nguồn lực để đưa tạp chí Kinh tế và Phát triển (bản tiếng Anh) vào hệ thống Scopus, khuyến khích và đầu tư cho các công trình công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus. Nâng cao vị thế khoa học trên phạm vi quốc tế thông qua việc có số công trình khoa học công bố trên một giảng viên cao nhất trong số các trường đại học kinh tế và tiệm cận với các trường đại học lớn trong khu vực…

Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích NCKH, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu. Đảm bảo các viên chức, người lao động của trường có đủ nguồn lực (tài chính, cơ sở vật chất và thời gian) để thực hiện các hoạt động nghiên cứu. Đa dạng hóa các nguồn lực cho nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học phải trở thành sự đam mê và ưu tiên hàng đầu đối với đội ngũ viên chức, người lao động.

Phát triển những nhóm nghiên cứu mạnh với hạt nhân là các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, có khả năng dẫn dắt các xu hướng nghiên cứu mới. Có sự kế thừa và tiếp nối chặt chẽ giữa các thế hệ viên chức, người lao động. Từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực phản ứng trước những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như đi đầu trong các hướng nghiên cứu khoa học mới.

Tăng cường gắn kết nghiên cứu với đào tạo và thực tiễn. Có cơ chế khuyến khích đưa các kết quả nghiên cứu vào giảng dạy một cách nhanh chóng. Ưu tiên thực hiện các nghiên cứu theo đặt hàng của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức. Tăng cường phát triển hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học.

2.5 Một số phương hướng chiến lược khác

Phát triển sản phẩm chiến lược của một số lĩnh vực, ngành đào tạo. Sản phẩm chiến lược có thể là chương trình đào tạo xuất sắc, công trình nghiên cứu (sách, bài báo), phần mềm, tiêu chuẩn (chuẩn mực)/ sách hướng dẫn … có tầm ảnh hưởng rộng lớn và tác động sâu sắc tới cộng đồng và xã hội. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ tập trung xây dựng và phát triển 1- 3 sản phẩm chiến lược trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Thực hiện kiểm định và xếp hạng quốc tế. Lựa chọn và tiến hành kiểm định Trường và các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Xây dựng lộ trình để nâng cao vị trí xếp hạng trên một hệ thống xếp hạng quốc tế có uy tín. Tăng cường sự thừa nhận và liên thông với các trường đại học quốc tế.

Xây dựng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở thành một trong những trung tâm khởi nghiệp lớn nhất của cả nước, không chỉ cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn đầu tư mà còn cung cấp cơ sở vật chất dưới hình thức các vườn ươm doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tạo dựng môi trường thuận lợi nuôi dưỡng các ý tưởng kinh doanh và các doanh nhân trẻ.

Từng bước đưa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành trường đại học thông minh đầu tiên của Việt Nam. Trường kết hợp chặt chẽ với các đối tác hàng đầu để phát triển và hoàn thiện mô hình trường đại học thông minh, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Phát triển và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu dùng chung cho mọi mặt hoạt động của Trường, đảm bảo hiệu quả và linh hoạt trong hoạt động của toàn hệ thống.

Tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm xây dựng hình ảnh về Trường Đại học Kinh tế Quốc dân như một sự lựa chọn tốt nhất cho học tập và làm việc. Khai thác hiệu quả các giá trị truyền thống và mạng lưới cựu sinh viên của Trường. Các hoạt động truyền thông phải gắn kết chặt chẽ với các sự kiện, thành tích trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và tư vấn.

PHẦN THỨ BA: GIẢI PHÁP VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

3.1 Phát triển nguồn nhân lực

Thu hút, xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức, người lao động có năng lực nghiên cứu và tư vấn hàng đầu. Có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các nhà khoa học có uy tín, các viên chức, người lao động có bằng tiến sĩ tại các nước phát triển, có công bố quốc tế. Cấp kinh phí nghiên cứu hàng năm cho các nhà khoa học đầu ngành. Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, tạo sức thu hút và động lực làm việc sáng tạo của đội ngũ viên chức, người lao động. Tăng cường liên kết, thu hút viên chức, người lao động từ các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp.

Quốc tế hóa đội ngũ viên chức, người lao động, tăng cường tỷ trọng giảng viên quốc tế, tăng số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh và có công bố quốc tế. Thúc đẩy và có chính sách hỗ trợ việc trao đổi giảng viên với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới. Có những chính sách đột phá trong việc thu hút viên chức, người lao động có trình độ quốc tế đến làm việc tại Trường.

Tăng cường kiến thức thực tiễn của đội ngũ giảng viên. Triển khai thực hiện chế độ mỗi 5 năm, giảng viên sẽ được nghỉ giảng 6 tháng hoặc một năm để nghiên cứu và thâm nhập thực tiễn hoặc đi trao đổi nghiên cứu, giảng dạy ở các nước phát triển. Tăng cường khả năng tư vấn của đội ngũ giảng viên thông qua các hoạt động phối kết hợp với các đơn vị thực tiễn.

Chuẩn hóa năng lực các vị trí chức danh theo hướng hội nhập, chuyên nghiệp, làm cơ sở cho công tác tuyển dụng, đào tạo và bổ nhiệm. Phấn đấu tỷ lệ tiến sĩ của đội ngũ giảng viên đạt 80%. Tăng tính chuyên nghiệp và văn hóa phục vụ của đội ngũ viên chức hành chính.

Chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ viên chức, người lao động trẻ để Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở thành nguồn cung cấp nhân lực lãnh đạo, quản lý cao cấp cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Tạo điều kiện thuận lợi cho viên chức, người lao động Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát triển thành lãnh đạo tại các đơn vị bên ngoài Trường.

3.2 Nâng cao năng lực tài chính

Tích cực mở rộng và đa dạng hóa nguồn thu. Từng bước tiến tới đồng bộ mức học phí giữa các hệ đào tạo chính quy, phi chính quy và chất lượng cao. Tăng cường nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ, liên kết đào tạo và khai thác cơ sở vật chất. Chú trọng khai thác các nguồn tài trợ, đặc biệt trong việc đặt tên các nhà tài trợ cho các phòng học, phòng hội thảo, các địa điểm trong toàn trường. Tận dụng các nguồn ngân sách thông qua các nhiệm vụ đấu thầu cạnh tranh.

Cơ chế quản lý tài chính minh bạch công khai. Đảm bảo việc phân bổ thu chi công khai, công bằng giữa các đơn vị trong toàn trường. Thực hiện phân phối cho viên chức, người lao động theo kết quả hoạt động. Trở thành trường có cơ chế quản lý tài chính minh bạch hàng đầu tại Việt Nam.

Từng bước tăng cường cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị theo mô hình phát triển của Trường. Đảm bảo cho các đơn vị có đủ nguồn lực để phát huy tính sáng tạo, chủ động thực hiện chiến lược phát triển chung của Trường.

Thực thiện cải cách tiền lương và các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao thu nhập cho đội ngũ viên chức, người lao động với mức tăng trung bình 10%/ năm. Đảm bảo thu nhập của viên chức, người lao động Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thuộc vào nhóm 05 trường đại học có mức thu nhập cao nhất Việt Nam.

Chuẩn bị các nguồn lực tài chính để thực hiện chiến lược. Áp dụng các biện pháp quản lý để đảm bảo chi tiêu có hiệu quả và sự bền vững về tài chính của Trường. Bên cạnh các nguồn thu của Trường, cần chủ động tìm kiếm các nguồn lực tài chính khác như đầu tư từ Chính phủ, vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng, nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

3.3 Tăng cường cơ sở vật chất

Xây dựng, xin phê duyệt và triển khai thực hiện “Dự án Phát triển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học hàng đầu về đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu và khởi nghiệp” vay vốn của Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) với tổng vốn đầu tư là 110 triệu USD, thời gian thực hiện trong vòng 5 năm 2022 – 2026.

Từng bước thực hiện phương án mặt bằng phát triển tổng thể Trường đến năm 2050 tại khu vực 207 Đường Giải Phóng. Bên cạnh hệ thống giảng đường và văn phòng, chú trọng phát triển hệ thống ký túc xá mới, khách sạn trường, trung tâm khởi nghiệp, nhà thi đấu thể thao, trung tâm y tế và các cơ sở phục vụ giảng dạy và học tập …

Tiếp tục đầu tư chiều sâu để nâng cao hơn nữa năng lực giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn và quản lý của Trường. Tập trung đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy và quản trị đại học theo hướng Đại học thông minh. Tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất cần thiết (cơ sở hạ tầng, văn phòng làm việc) để trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn của đất nước.

Xây dựng cơ sở 2 hướng tới tiền đề mở rộng các ngành/ lĩnh vực đào tạo các ngành liên quan đến công nghệ cũng như tiếp cận tốt hơn đến thị trường đào tạo.

3.4 Hoàn thiện hệ thống quản trị

Hoàn thiện và đưa vào áp dụng đề án vị trí việc làm làm cơ sở cho chính sách trả lương, thưởng và khuyến khích động lực làm việc. Đây là một trong những nền tảng cơ sở cho việc đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động quản trị của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Đề án này cần được thường xuyên đánh giá, cập nhật cho phù hợp với những thay đổi trong môi trường hoạt động của Trường.

Chuẩn hoá hệ thống văn bản quản lý và quy trình làm việc trong các lĩnh vực, tổ chức và đơn vị trong toàn trường theo hướng chuyên nghiệp. Từng bước nâng cao tốc độ thực hiện công việc đi đôi với công khai minh bạch. Đảm bảo môi trường học tập và làm việc tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mang tính chuẩn mực và trong sạch.

Tăng cường giám sát, đánh giá mọi mặt hoạt động của Trường nhằm đảm bảo sự minh bạch, liêm chính và hiệu quả. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường, Công đoàn và các tổ chức chính trị xã hội khác. Xây dựng cơ chế đánh giá chất lượng phục vụ của các đơn vị trong trường.

Gắn kết hoạt động của Trường với các tổ chức thực tiễn. Trường cần trở thành tiêu điểm gắn kết với xã hội đảm bảo tận dụng các nguồn lực một cách có hiệu quả, nâng cao đóng góp của Trường đối với xã hội. Đảm bảo sự giám sát cần thiết của xã hội đối với các hoạt động của Trường.

Xây dựng và thực hiện lộ trình tái cấu trúc một cách khoa học và hợp lý, đảm bảo quá trình này được tiến hành với ý chí và nguyện vọng thống nhất của tập thể sư phạm Trường.

3.5 Lộ trình thực hiện dự kiến

Giai đoạn 1: 2021 – 2025. Tập trung tái cấu trúc để thành lập ba (03) trường dựa trên các lĩnh vực đào tạo truyền thống bao gồm: Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế, Trường Khoa học và Công nghệ. Phấn đấu đưa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân trước năm 2025. Phát triển cơ sở vật chất cho trung tâm khởi nghiệp sáng tạo (theo hướng các vườn ươm doanh nghiệp). Chuẩn bị các điều kiện để phát triển cơ sở 2 ngoài Hà Nội.

Giai đoạn 2: 2025 – 2030. Phát triển và xây dựng mới các môn học/ khoa/ bộ môn có liên quan nhiều đến công nghệ như: công nghệ thông tin (khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo); du lịch và khách sạn (quy hoạch du lịch, kiến trúc khách sạn, công nghệ vận hành khách sạn); công nghệ môi trường (xử lý nước thải, khí thải, ứng phó biến đổi khí hậu). Thành lập mới hai hoặc ba trường trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu. Phát triển cơ sở 2 qua đó mở rộng tầm ảnh hưởng của nhà trường với các địa phương.

Nguồn: https://www.neu.edu.vn/