(84) 24.36280280/6550; 6551 isd@neu.edu.vn

Sách chuyên khảo “Thể chế và phát triển: Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam” do PGS. TS. Lê Quang Cảnh làm chủ biên

Những ngày cuối tháng 4, cuốn Sách chuyên khảo “Thể chế và phát triển: Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam” do PGS. TS. Quang Cảnh làm chủ biên đã được xuất bản tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân

     

Sách chuyên khảo “Thể chế và phát triển: Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam”

Vai trò của thể chế cho phát triển ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, quản lý và người làm thực tiễn. Hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất rằng một hệ thống thể chế yếu hoặc khiếm khuyết là nguồn gốc của sự kém phát triển. Tuy nhiên việc hiểu rõ một khái niệm phức tạp như thể chế và vai trò của thể chế trong phát triển ở các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi là việc không dễ dàng và điều đó đang đặt ra những vấn đề đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu. Trong nỗ lực nghiên cứu đó, Acemoglu và Robinson (2012) đã tìm hiểu lý do tại sao các quốc gia thất bại dựa trên lý thuyết Kinh tế học thể chế mới và kết luận rằng thể chế là nhân tố giải thích cho sự khác biệt về tăng trưởng và phát triển hay sự thành công hoặc thất bại của các quốc gia, chứ không phải các nhân tố liên quan tới địa lý hay sự thiếu hiểu biết của lãnh đạo quốc gia. Các quốc gia có thể chế chính trị và thể chế kinh tế theo kiểu dung hợp là những quốc gia có cơ hội phát triển. Trái lại, các quốc gia có thể chế kinh tế và thể chế chính trị chiếm đoạt thường rơi vào tình trạng lạc hậu, nghèo nàn và kém phát triển. Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ và nhanh chóng. Thể chế đã có sự thay đổi nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế và thực hiện mục tiêu phát triển, đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao. Cải cách thể chế kinh tế đã diễn ra khá mạnh mẽ cùng với những chuyển biến tích cực của thể chế chính trị theo hướng một nền thể chế dung hợp, thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Kết quả là nền kinh tế Việt Nam đã chuyển biến tích cực, từ nước nghèo có thu nhập thấp thành một nước có thu nhập trung bình thấp và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ so với các quốc gia cùng phân khúc thu nhập. Kết quả của hơn 35 năm đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn của quan điểm đổi mới thể chế kinh tế và thể chế chính trị ở nước ta trong từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa thể chế và tình hình phát triển ở các nước phát triển, quốc gia đang phát triển và quốc gia chuyển đổi từ các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) trước đây đang có sự không nhất quán, và do đó có thể dẫn đến các đề xuất chính sách cải cách thể chế cho phát triển chưa thực sự phù hợp. Thêm vào đó, 4 THỂ CHẾ VÀ PHÁT TRIỂN: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN Ở VIỆT NAM cải cách thể chế cho giai đoạn phát triển cao hơn đòi hỏi phải có những cải cách mang tính đột phá, khi đất nước chuyển từ nước đang phát triển có thu nhập trung bình sang nước phát triển có thu nhập cao. Để hiểu một cách có hệ thống về vai trò của thể chế với phát triển trong bối cảnh Việt Nam thì cần phải có những nghiên cứu chặt chẽ và khoa học, cung cấp dẫn chứng cho việc điều chỉnh và gợi ý chính sách.

Cuốn sách này ra đời dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu của chủ biên và tập thể tác giả trong thời gian dài với mong muốn cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn về thể chế và phát triển.

PGS.TS. Lê Quang Cảnh – chủ biên sách chuyên khảo “Thể chế và phát triển: Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam”

Cuốn sách chuyên khảo được hoàn thành là kết quả của sự nỗ lực của tập thể tác giả có thâm niên nghiên cứu về các vấn đề thể chế và phát triển. Cuốn sách do PGS.TS. Lê Quang Cảnh – Quyền Viện Trưởng Viện Phát triển bền vững, Trường Đại học Kinh tế quốc dân chủ biên và các tác giả tham gia biên soạn.

Tập thể tác giả sách chuyên khảo: “Thể chế và phát triển: Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam”

Thể chế và phát triển là những vấn đề có phạm vi, tiềm năng nghiên cứu và ứng dụng rộng lớn. Mặc dù tập thể tác giả đã rất nỗ lực, nhưng do tính phức tạp và tổng hợp của thể chế, sự đa dạng trong các vấn đề phát triển và do sự hạn chế về số liệu sử dụng trong bối cảnh Việt Nam nên khó tránh khỏi những hạn chế hoặc khiếm khuyết. Tập thể tác giả mong muốn nhận được sự góp ý, chia sẻ và khích lệ của các nhà khoa học, đồng nghiệp và bạn đọc để có thể hoàn thiện nội dung trong những nghiên cứu và xuất bản tiếp theo.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Chi tiết mục lục trang sách xem tại đây Mục lục Sách chuyên khảo Thể chế và Phát triển

Một số hình ảnh ký tặng sách của chủ biên

Bài và ảnh: Viện PTBV