(84) 24.36280280/6550; 6551 isd@neu.edu.vn

Phát triển kỹ năng nghiên cứu cho giảng viên

Phát triển kỹ năng nghiên cứu cho giảng viên các trường Đại học, Học viện ngành Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, và Quản lý

1. Sự cần thiết

Đổi mới giảng dạy, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đang là vấn đề nóng bỏng trong quản lý ở các trường Đại học, Học viện, và Viện nghiên cứu. Theo xu hướng mới đẳng cấp của một trường đại học phụ thuộc rất lớn vào năng lực nghiên cứu và khả năng tham gia nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế của đội ngũ giảng viên. Một trường đại học có nhiều nghiên cứu công bố quốc tế, giảng viên tham gia vào các nhóm nghiên cứu quốc tế là trường được nhận biết trên phạm vi quốc tế.

Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên được thể hiện ở những công trình khoa học công bố, đặc biệt là công trình được công bố trên các tạp chí xếp hạng quốc tế. Các công trình khoa học công bố quốc tế là điều kiện tiên quyết của đào tạo tiến sĩ, điều kiện được tham gia các nghiên cứu quốc tế, và là tiêu thức xếp hạng, xác định đẳng cấp của các trường đại học. Việc nâng cao kỹ năng nghiên cứu, ngoài việc nâng cao uy tín cá nhân và tổ chức, còn có tác động hỗ trợ đặc biệt quan trọng tới cải thiện chất lượng bài giảng và khả năng tư vấn của giảng viên.

Chương trình đào tạo này được xây dựng hướng vào việc nâng cao kỹ năng, năng lực nghiên cứu cho giảng viên ở các trường đại học thuộc ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, và quản lý.

2. Mục tiêu

Khóa tập huấn “Phát triển kỹ năng nghiên cứu cho giảng viên các trường Đại học, Học viện ngành Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, và Quản lý” được thiết kế dành riêng cho giảng viên của các trường đại học, học viện nhằm giúp các giảng viên:

1. Hiểu rõ những hạn chế của cách thức nghiên cứu hiện nay và yêu cầu đổi mới trong nghiên cứu thuộc lĩnh vực Kinh tế, Quản lý, và Quản trị Kinh doanh;

2. Nắm vững sự khác biệt trong yêu cầu của nghiên cứu ứng dụng (tư vấn) và nghiên cứu hàn lâm trong khoa học kinh tế và quản trị kinh doanh;

3. Nắm vững và thực hành một số quy trình, kỹ năng cơ bản trong nghiên cứu, bao gồm xác định trọng tâm và khung nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu, cùng các phương pháp và kỹ năng cụ thể;

4. Thực hành một số công cụ thống kê thông dụng trên phần mềm SPSS và/hoặc các mô hình và công cụ Kinh tế lượng với phần mềm STATA;

5. Chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm với giảng viên về quá trình thực hiện các nghiên cứu tư vấn;

6. Chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm với giảng viên về quá trình gửi và đăng bài trên các tạp chí quốc tế có phản biện và được xếp hạng (SSCI).

Khóa học có thể mang lại những lợi ích khác nhau cho các đối tượng giảng viên khác nhau:

+ Đối với những giảng viên chưa qua chương trình đào tạo tiến sỹ, khóa học cung cấp kỹ năng cơ bản để học viên hiểu và có thể lựa chọn đề tài, thực hiện nghiên cứu thành công;

+ Đối với những giảng viên đã hoàn thành luận án tiến sỹ theo chương trình trong nước, khóa học cung cấp những kiến thức và kỹ năng nghiên cứu theo thông lệ/chuẩn mực quốc tế để có thể nghiên cứu và xuất bản ở tạp chí quốc tế;

+ Đối với những giảng viên đã hoàn thành luận án tiến sỹ ở nước ngoài, khóa học là cơ hội để ôn tập, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các mối quan hệ để tiếp tục thành công trong nghiên cứu và xuất bản.

3. Phương pháp khóa học

Khóa học sẽ là sự kết hợp giữa các phương pháp giảng dạy tích cực, gắn giữa giới thiệu lý thuyết (ngắn), kinh nghiệm, với thực hành của học viên. Cụ thể, học viên sẽ được thực hành các kỹ năng thông qua các ví dụ/tình huống thực tiễn do chính các giảng viên từng nghiên cứu hoặc các dự án nghiên cứu mà học viên quan tâm.

Học viên cũng được thực hành sử dụng phần mềm thống kê thông dụng (ví dụ: SPSS, STATA) với những công cụ thống kê cơ bản. Học viên được phân theo từng nhóm và thực hành thiết kế một nghiên cứu theo chủ đề nhóm quan tâm. Học viên sẽ được các giảng viên tư vấn cho suốt quá trình thiết kế nghiên cứu.

4. Các chuyên đề

Khóa học sẽ cung cấp những kỹ năng cơ bản về phương pháp nghiên cứu, kinh nghiệm trong cả nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu hàn lâm. Tùy theo nhu cầu, các trường có thể đặt hàng các chuyên đề phù hợp hoặc thiết kế các bài giảng phục vụ nhu cầu cụ thể của đơn vị. Dưới đây là ví dụ về một số chuyên đề thường được giới thiệu trong chuỗi bài giảng.

Chủ đề 1: Tổng quan về nghiên cứu của giảng viên đại học

Chủ đề 2: Thiết kế nghiên cứu

Chủ đề 3a: Thực hành công cụ thống kê cơ bản với phần mềm SPSS (phù hợp với QTKD và QL)

Chủ đề 3b: Các mô hình, công cụ kinh tế lượng (phần mềm STATA-phù hợp với Kinh tế)

Chủ đề 4: Đọc và trình bày kết quả từ các phân tích thống kê

Chủ đề 5: Trình bày thiết kế nghiên cứu và thảo luận

5. Giảng viên và chứng chỉ

Nhóm giảng viên bao gồm các giảng viên được đào tạo bài bản ở nước ngoài và có nhiều kinh nghiệm trong trong cả nghiên cứu hàn lâm (có nhiều công trình xuất bản ở tạp chí quốc tế trong SSCI) và nghiên cứu tư vấn (từng hoàn thành nhiều hợp đồng nghiên cứu với các tổ chức trong nước và quốc tế). Giảng viên nước ngoài có thể tham gia khóa đào tạo, tùy theo nhu cầu của đơn vị.

Kết thúc khóa học, học viên sẽ được cấp Chứng chỉ do Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cấp.

6. Liên hệ

PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng
Viện Quản lý Châu Á – Thái Bình Dương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

207 Đường Giải Phóng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 04-36280280; Máy lẻ 5109 (Mobile: 0985489976),
Email: nvthang@cdepp.edu.vn
Website: www.apim.edu.vn